Hà Nội lên lộ trình cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô

Định Liên 20/09/2016 14:53

Tại Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cũng như các bộ, ngành trong đó dự kiến, ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ, xe máy ngoại tỉnh theo lộ trình sẽ bị dừng hoạt động vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp với số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh mẽ mỗi năm. (Ảnh nguồn: Vietnam+)
Cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp với số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh mẽ mỗi năm. (Ảnh nguồn: Vietnam+)

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo 3 giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn 1: Từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3: Đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Đề án cũng đưa ra một số biện pháp về quản lý hành chính như có cơ chế quản lý về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải của xe máy, thu hồi, buộc tiêu hủy đối với các phương tiện ôtô, xe máy quá niên hạn sử dụng và không đủ tiêu chuẩn về khí thải; kiểm soát việc gia tăng số lượng các loại hình vận tải hành khách, không khuyến khích phát triển xe taxi, xích lô, xe ôm...

Để giảm phương tiện cá nhân, Đề án cũng đề xuất một số giải pháp “đánh” vào túi tiền người dân như xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực cụ thể; đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô con đăng ký lần đầu; thu phí xe ôtô vào khu vực nội đô giờ cao điểm, lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khu trung tâm 4 quận nội thành.

Song song với hạn chế xe cá nhân, thành phố Hà Nội sẽ bố trí các điểm trung chuyển, điểm đỗ xe và các phương tiện công cộng nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống vận tải hành khách công cộng vào trung tâm thành phố.

Để có phương tiện đi lại cho người dân khi hạn chế ôtô, xe máy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt).

Đến năm 2020, lộ trình vận tải hành khách công cộng đặt mục tiêu đáp ứng 25% nhu cầu, vận tải cá nhân 75%, tương đương giảm khoảng 20.000 ôtô con/năm và 120.000 xe máy/năm. Đến năm 2025, mục tiêu tỷ lệ tương ứng vận tải công cộng đáp ứng 32% nhu cầu, vận tải cá nhân là 68%, tương đương giảm khoảng 30.000 ôtô con/năm và 180.000 xe máy/năm.

Định Liên