“Em bé napalm” - khoảng khắc của thời đại

Lê Quân 11/09/2016 07:50

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên bức ảnh nổi tiếng này bị nghi ngờ bởi một “ông lớn”. Thế nhưng, lần này, thì “ông lớn” FB quả thật đã đa nghi một cách vô duyên và thái quá.

Facebook (FB) không phải là thánh, nên tất nhiên FB cũng có lúc nhầm lẫn. Nhưng nhầm lẫn mới nhất thì nghe chừng là khó bỏ qua. “Em bé napalm” - bức ảnh biểu tượng nói lên sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam, cách đây một tháng đã bị gỡ bỏ một cách ngẫu nhiên trên FB, vì nó bị đánh đồng với những bức ảnh khỏa thân nhạy cảm khác. Bức ảnh nổi tiếng từng đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer, được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 theo bình chọn của ĐH Columbia, do nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng tin AP chụp vào ngày 8.6.1972, ghi lại hình ảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng, vừa khóc vừa chạy khỏi một ngôi làng ở Việt Nam đang bị dội bom napalm.


Chiến dịch phản đối FB xuất phát từ Na Uy, khi bức ảnh “Em bé napalm” đăng trong chùm ảnh “7 bức ảnh làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh” của nhà báo Tom Egeland bất ngờ bị FB gỡ bỏ với lý do đây là ảnh khỏa thân, vi phạm luật kiểm soát của FB. Từ đây kéo theo một loạt phản ứng dữ dội khác: Tổng Biên tập Espen Egil Hansen của tờ báo lớn nhất Na Uy - Aftenposten đã đăng tải lên trang nhất của báo này một bức thư gửi tới CEO FB Mark Zuckerberg, và đỉnh điểm là khi Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg quyết định đăng tải bức hình này lên FB của mình và… cũng bị xóa.

FB lúc đầu giữ nguyên lập trường, nhưng đến chiều ngày 9.9 vừa qua thì đã buộc phải công nhận rằng, đây là trường hợp ngoại lệ, cùng lời giải thích: “Hình ảnh một đứa trẻ khỏa thân thường được cho rằng vi phạm những quy chuẩn của cộng đồng và tại nhiều nước, nó sẽ được coi là sản phẩm khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp này, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và giá trị lịch sử của bức hình khi đã ghi lại một khoảnh khắc của thời đại. Bởi vì vị trí của bức ảnh và giá trị lịch sử, chúng tôi quyết định sẽ khôi phục bức ảnh trên Facebook…”.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên bức ảnh này bị nghi ngờ bởi một “ông lớn”. Trong cuộn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Richard Nixon với chánh văn phòng của ông, H. R. Haldeman năm 1972, Nixon đã từng đăm chiêu nhìn vào tấm ảnh và nói: “Tôi tự hỏi, có phải tấm ảnh đã được chỉnh sửa…”. Thế nhưng, lần này, thì “ông lớn” FB quả thật đã “đa nghi” thái quá.

 Công bằng mà nói, tính năng chặn này của FB về cơ bản là nhân văn và tốt đẹp, vì phần nào đã giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cũng như không dùng. Nhất là vừa mới đây thôi FB cũng đã từng dính phải một vụ kiện hy hữu với nguyên nhân ngược lại: Một cô bé 14 tuổi tại Bắc Ireland đã quyết kiện FB vì không chặn kịp thời bức ảnh khỏa thân của cô, khiến chúng bị lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội lớn nhất này… Lời cáo buộc tất nhiên về sau đã bị bác bỏ, nhưng cũng phần nào cho thấy sự khó xử của FB trong việc thực thi Luật bảo vệ dữ liệu của mình.

 Nguyên tắc của FB cũng như sự khó xử của FB trước những ngoại lệ thêm lần nữa lại nhắc chúng ta hãy nhìn cuộc sống một cách mềm mại và linh hoạt hơn để bớt đi những nhầm lẫn đáng tiếc, và nhiều lúc, còn là vô duyên…

Còn nhớ, cùng kỳ năm ngoái, sau hàng chục năm im lặng, Monica Lewinsky - cô thực tập sinh Nhà Trắng tai tiếng (sau vụ bê bối tình ái với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton) đã có một bài thuyết trình gây chấn động có tên: “Cái giá của nỗi nhục nhã”. Trong đó, chỉ trích mạnh mẽ tác hại của mạng xã hội khi “văn hóa sỉ nhục” đã trở thành món chính trên đó: “Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi. Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ…”.

Chặn ảnh khỏa thân trên FB chính là một trong những cố gắng để giảm thiểu sự tổn thương của nạn nhân (khi bị bêu riếu ảnh), đồng thời tạo ra “bức tường lửa” ngăn chặn những sản phẩm khiêu dâm có thể đầu độc tâm hồn trẻ nhỏ… Nhưng cuộc sống, một mặt, lại luôn luôn có những ngoại lệ, chẳng hạn như bức ảnh “Em bé napalm”, hay những bức ảnh nude nghệ thuật đúng nghĩa… Nguyên tắc của FB cũng như sự khó xử của FB trước những ngoại lệ thêm lần nữa lại nhắc chúng ta hãy nhìn cuộc sống một cách mềm mại và linh hoạt hơn để bớt đi những nhầm lẫn đáng tiếc, và nhiều lúc, còn là vô duyên… Dù hẳn nhiên, không dễ!

Lê Quân