Philippe Devillers và “quãng đời Việt Nam”

Quỳnh Vũ 02/09/2016 10:08

Philippe Devillers là một trong những nhà báo Pháp có mặt đầu tiên ở Việt Nam không lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Chứng kiến Nhà nước Việt Nam non trẻ đấu tranh giành độc lập, ông đã sớm hình thành quan điểm tiến bộ, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ông được biết đến với nhiều danh xưng: Nhà báo, nhà sử học, chuyên gia về lịch sử chính trị Việt Nam và Đông Dương... nhưng có lẽ phù hợp nhất là “người bạn thủy chung của Việt Nam”.

Chuyển biến nhận thức

Cuộc đời gắn với Việt Nam của Philippe Devillers bắt đầu vào ngày 14.9.1945, khi ông được Hubert Beuve-Méry, chủ bút tờ Le Monde tuyển làm cộng tác viên tại Đông Dương.

Ngày 3.11.1945, sau ba tuần lênh đênh trên con tàu Anh có tên Oronte xuất phát từ cảng Marseille, ông đã đến Đông Dương làm việc trong Ban Thông tin của Bộ tham mưu Đạo quân viễn chinh Pháp với chức danh Tùy viên báo chí và phóng viên thường trú đầu tiên của báo Le Monde ở Đông Dương. Ông cùng với một số nhà báo có nhiệm vụ xuất bản tờ Caravelle để động viên tinh thần binh sĩ Pháp. Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương, Tướng Leclerc đến Việt Nam với nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là núp bóng quân Anh, quay trở lại xâm lược Việt Nam.

Khi đến Việt Nam, Philippe và một số người bạn lao vào khám phá Đông Dương. Cuối tháng 11.1945, theo chỉ thị của Tướng Leclerc, được sự đồng ý của Tổng Biên tập báo Le Monde và ông cùng với các nhà báo Pháp khác như Jean Lacouture, Pierre-Maurice Dessinges... lập ra tuần báo Paris-Saigon để đăng tải những thông tin mới về chiến sự ở Việt Nam.

Chứng kiến cuộc kháng chiến mà người dân nơi đây đang tiến hành không giống với những gì lãnh đạo Pháp tuyên truyền, ông đã thay đổi nhận thức.

Bài viết đầu tiên về Việt Nam của Philippe đăng trên báo Le Monde ngày 20.1.1946 có đoạn: “Nước Pháp phải nhận thức rằng ở Đông Dương lịch sử đã sang trang: Không phải chế độ thuộc địa hay giám hộ sẽ hướng dẫn chính sách của Pháp ở đây nữa, mà là sự hợp tác theo kiểu mới với những dân tộc đang tiến hóa với nhịp độ nhanh chóng”. Vào thời điểm đó, rất ít người Pháp có cách nhìn như vậy. Đây cũng là cách nhìn thể hiện quan điểm tương lai của ông trong quan hệ Pháp - Việt, dựa trên sự thúc đẩy xây dựng hòa bình, thông qua hiểu biết lẫn nhau. Tuần báo Paris - Saigon vì thế cũng chủ trương cổ vũ cho hòa giải và hòa thuận giữa hai dân tộc Pháp - Việt.

Vì mục tiêu là nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, tôi luôn viết các bài báo, cuốn sách ủng hộ mục tiêu cao cả đó của một dân tộc can trường đã kiên quyết lựa chọn con đường đấu tranh và đã giành thắng lợi cuối cùng. Dân tộc Việt Nam xứng đáng có một cuộc sống tự do, hạnh phúc bởi dân tộc đó đã chiến đấu dũng cảm trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Philippe Devillers

Vui mừng khi Hiệp định sơ bộ được ký ngày 6.3.1946 tại Hà Nội, Philippe cũng nhanh chóng nhận ra sự lật lọng của Chính phủ Pháp. Mặc dù Hiệp định ghi rõ một trong hai bên ký là “Ông Sainteny, đại diện Cao ủy Pháp, được ủy quyền một cách hợp thức bởi Đô đốc d’Argenlieu, Cao ủy Pháp, người chấp chưởng các quyền hành của nước Cộng hòa Pháp”, nhưng ngay sau đó, Cao ủy d’Argenlieu tuyên bố một cách tráo trở: “Hiệp định (…) bị hạn chế trong không gian. Nó có tính chất địa phương. Nó được ký bởi ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Bộ với chính phủ trên thực tế của An Nam đóng ở Hà Nội. Cho đến nay, quyền lực trên thực tế của chính phủ ấy chỉ được thực thi ở phía bắc vĩ tuyến 16 (tức từ Đà Nẵng trở ra). Vả lại, về mặt pháp lý, quyền lực đó chỉ có tính chất tạm thời ở Trung Bộ. Và như vậy, hiệp định không có hiệu lực ở Nam Bộ vì Nam Bộ đã bị Pháp chiếm đóng và tách khỏi lãnh thổ Việt Nam!”.

Chính lập trường thực dân ấy của Pháp đã khiến các hội nghị sau đó ở Đà Lạt và Fontainebleau đều thất bại. Thất vọng, Philippe quay về Pháp ngày 9.10.1946, tiếp tục tham gia phong trào hòa bình, phản đối chiến tranh, ông trở thành hội viên của Hội Pháp - Việt, hội hữu nghị đầu tiên kết nối hai dân tộc Pháp và Việt Nam, được nữ nhà báo Andrée Viollis, nhà hoạt động chính trị, người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1946. Trong giai đoạn này, mặc dù là công chức cao cấp trong Ban Thư ký của Chính phủ Pháp, ông vẫn giữ quan điểm phản đối các chính sách sai lầm của Pháp đối với Việt Nam.

Sứ mệnh rọi ánh sáng vào sự thật

Trong khi đó, ở Việt Nam, tình hình ngày càng căng thẳng, các cuộc xung đột thường xảy ra, nghiêm trọng nhất là vụ chiến hạm Suffren nã đại bác vào Hải Phòng ngày 23.11.1946 khiến ít nhất 6.000 người, hầu hết là dân thường thiệt mạng. Phía Việt Nam liên tục yêu cầu quân Pháp trở về những vị trí mà họ chiếm đóng trước ngày 20.11, nhưng Pháp bác bỏ, tiếp tục gây ra nhiều vụ khiêu khích khác.

Qua phóng viên Bernard Dramber của báo Paris - Saigon, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp tới Chính phủ và nhân dân Pháp: “Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải tiến hành, thì chúng tôi sẽ tiến hành… Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, chúng tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”.

Chiều 18.12.1946, quân Pháp chiếm trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Giao thông. Sáng 19.12, Pháp đòi tước khí giới của quân ta ở Hà Nội. 20h ngày 19.12, cuộc kháng chiến trên cả nước bắt đầu. Tướng Valluy, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương báo cáo về Paris: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với mọi người quan sát Pháp và nước ngoài, người Việt Nam là bên tấn công trước”.

Nhưng Philippe không tin như thế. Ông sau đó từng tâm sự: “Vào thời điểm đó, tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng không chết trước khi rọi được ánh sáng vào cái năm 1946 ấy”.
Sau hơn 40 năm nghiên cứu một cách kiên trì và nhẫn nại, ông đã tái hiện gần như trọn vẹn lịch sử trong tác phẩm Paris - Saigon - Hanoi xuất bản năm 1988; chỉ ra thủ phạm gây chiến không phải là phía Việt Nam, mà là “bộ ba d’Argenlieu - Valluy - Pignon” với nhiệm vụ “phải nhanh chóng gây ra đổ vỡ để đổ trách nhiệm cho Việt Minh”. Họ tìm cách quấy rối để Việt Minh mất kiên nhẫn, sử dụng bạo lực và như vậy cung cấp cho Pháp một cái cớ toàn toàn hợp lý để phát động chiến tranh.

Sau này ông tâm sự: “Để gây chiến và muốn đè bẹp đối thủ là Việt Minh, giới lãnh đạo Pháp đã không ngừng nói dối và luôn cung cấp những thông tin bị bóp méo, sai lệch cho độc giả và nhân dân Pháp. Tôi luôn chống lại chiến tranh. Kể từ khi cuộc chiến tranh Đông Dương tái bùng nổ vào tháng 12.1946, trong suốt hơn 40 năm, tôi là một “kẻ ly khai” với cuộc chiến tranh tàn bạo đó.

Chiến tranh của Pháp ở Việt Nam bắt đầu như thế và kết thúc với thảm bại của quân viễn chinh tại Điện Biên Phủ. Philippe gọi khoảng thời gian ấy là “bảy năm của những sai lầm và ảo mộng”.

Không rút ra bài học từ thất bại của Pháp ở Việt Nam, Mỹ lặp lại những sai lầm và ảo mộng tương tự. Để có cớ can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam, ngày 8.12.1961, Mỹ công bố trước dư luận thế giới Sách trắng Mối đe dọa cho hòa bình: Bắc Việt Nam nỗ lực xâm lăng Nam Việt Nam. Lời vu khống trắng trợn đó của Mỹ ngay lập tức bị Philippe bác bỏ khi ông viết trên tạp chí The China Quarterly số 9 quý I năm 1962 bài viết: “Cuộc đấu tranh vì thống nhất Việt Nam” (The Struggle for Unification of Vietnam) bằng tiếng Anh, dài hơn 20 trang, chứng minh điều ngược lại.

Sau này, ông tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa của nhân dân Việt Nam thông qua các bài báo, các buổi nói chuyện tại nhiều diễn đàn quốc tế. Ông cũng đã có dịp trình bày quan điểm của mình về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong đợt giảng dạy tại trường Đại học Cornell, bang New York (Mỹ).

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Năm 2010, ở tuổi 90, ông tập hợp những bài viết, hồi ký về đề tài Việt Nam thành cuốn sách cuối cùng trong cuộc đời viết lách của mình, cũng là cuộc đời Việt Nam của ông, dày 475 trang, đặt nhan đề Vingt ans et plus avec le Vietnam: Souvenirs et écrits, 1945-1969 (Hơn 20 năm với Việt Nam: Hồi ký và các bài viết 1945 - 1969). Nhân dịp ra mắt cuốn sách, ông tâm sự với giới báo chí rằng: “Tôi luôn luôn ủng hộ chính nghĩa độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam”. Theo ông, “dân tộc Việt Nam can trường, đã chọn con đường đấu tranh để khôi phục độc lập. Dân tộc ấy xứng đáng được sống trong tự do và hạnh phúc”.

Kể từ khi cùng một số người bạn lập ra tuần báo Paris - Saigon, cho đến lúc xuất bản cuốn sách cuối cùng về Việt Nam, ông đã theo đuổi đề tài này một cách kiên trì trong suốt 65 năm. Tiến sĩ sử học Alain Ruscio gọi quãng đời gắn bó với Việt Nam đó bằng cụm từ “quãng đời Việt Nam của Phillippe Devillers”. Ông qua đời tháng 2.2016, ở tuổi 96, để lại nhiều tiếc thương cho những người bạn xứ Đông Dương.

Đánh giá cao tình nghĩa thủy chung của Philippe đối với dân tộc Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã tặng ông Huân chương Hữu nghị. 

Quỳnh Vũ