Bản quốc ca trong lễ ngoại giao đầu tiên

Jason Gibbs (Mỹ), Nhà nghiên cứu âm nhạc
Nguyễn Trương Quý dịch
02/09/2016 07:47

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói tại buổi lễ nhân sự hiện diện của quân Đồng Minh tại Hà Nội ngày 26.8.1945.

Kêu gọi nhân dân “chung lòng cứu quốc”

Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, miền Bắc Việt Nam trải qua nạn đói khủng khiếp do sự chiếm đóng của quân Nhật. Nhạc sĩ 21 tuổi Văn Cao nằm trong số những thanh niên Hà Nội thất nghiệp đang cố gắng sống sót. Anh đã đạt được tên tuổi của một nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ sáng tác những ca khúc lãng mạn nổi tiếng cùng với một số ca khúc yêu nước theo chủ đề thanh niên lịch sử cho phong trào hướng đạo. Trong hồi ức, anh kể về việc được tiếp xúc với những thành viên tổ chức cách mạng Việt Minh hoạt động bí mật. Họ đã biết những bài hát yêu nước trước đây của Văn Cao và rủ anh theo cách mạng. Họ nói với anh: “Chiến khu thiếu bài hát… Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”.

Khi viết bản quốc ca mang tính sự kiện có tên Tiến quân ca này, Văn Cao lấy cảm hứng từ nỗi thống khổ từ những đồng bào đang lê mình chết đói trên đường phố Hà Nội. Đi lang thang trên phố, anh cố hình dung ra những người lính cách mạng mà anh chưa từng gặp, nhưng hành động dũng cảm của họ thì anh đã biết qua các bài viết trên những tờ báo bí mật. Anh chủ ý viết một bài hát giản dị sao cho những người lính ấy có thể hát được. Hơn thế, anh tin rằng để cách mạng thành công, người Việt sẽ phải tham gia, vì thế anh viết cho cả đoàn quân tưởng tượng và cho cả đất nước(1).

Tiến quân ca của Văn Cao gồm những khung cảnh được khắc họa từ cảnh thiếu thốn hiện tại và động cơ của lòng căm hờn, hình ảnh lá cờ pha máu, trở thành tiếng gọi cho nhân dân đập gông cùm, kêu gọi tập hợp thành quân đội với tinh thần “chung lòng cứu quốc”. Tiến quân ca được xuất bản với bút danh trên một tờ báo bí mật và tìm đường lên chiến khu thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Các đơn vị tự vệ hát bài này khi họ áp giải tù binh Nhật ở vùng nông thôn. Ở thành thị, các hướng đạo sinh, dạy bài hát cho nhau một cách bí mật(2). Đi vào một vùng do Việt Minh kiểm soát bên ngoài Hà Nội tháng 8.1945, một người viết đã mô tả cảm xúc kích thích khi nghe thấy Tiến quân ca vọng từ những rặng cây(3). Ngay trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã tổ chức một Hội nghị ở Tân Trào. Một trong những hoạt động cuối cùng của họ vào ngày 18.8.1945 là tuyên bố Tiến quân ca là quốc ca(4).

Buổi lễ Quốc tế, 26.8.1945, Ban nhạc quân đội Việt Nam, chỉ huy Đinh Ngọc Liên (Patti 1980)
Buổi lễ Quốc tế, 26.8.1945, Ban nhạc quân đội Việt Nam, chỉ huy Đinh Ngọc Liên (Patti 1980)

Đưa Việt Nam đến với thế giới

David Marr trong Vietnam 1945: The Quest for Power (Việt Nam 1945: Công cuộc giành chính quyền) đã cung cấp thống kê sống động về cuộc chuyển giao từ sự cai trị truyền thống của triều đình phong kiến sang sự tự quyết cách mạng của nhân dân. Sự kiện Nhật đầu hàng quân Đồng Minh được tuyên bố vào ngày 15.8.1945. Trong khi lực lượng an ninh Pháp vẫn bị quân Nhật giam giữ, những người Việt, đặc biệt là Việt Minh vốn được tổ chức tốt, đã đoạt quyền kiểm soát. Tổng hội Công chức với sự cho phép của quân Nhật, tiến hành một cuộc mít tinh trước quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 17.8.1945. Cuộc mít tinh tập hợp lúc 2 giờ chiều với lễ kéo cờ triều đình và trình bày bài Đăng đàn cung. Trong vài phút, đội viên Việt Minh đã chiếm khán đài, phất cờ của họ từ ban công nhà hát. Họ hạ cờ triều đình và chiếm microphone. Những người Việt Minh khác đứng trong đám đông khán giả tổ chức hát hai bài Tiến quân ca của Văn Cao và Diệt Phát xít của Nguyễn Đình Thi được in sẵn trên tờ rơi; trong những ngày sau bài hát của Văn Cao được hát khắp nơi trong thành phố(5). Đây là bước mở đầu cho cao trào Cách mạng Tháng Tám và quá trình những người Cộng sản kháng chiến Việt Nam đánh bại người Pháp năm 1954.

Đại tá Archimedes Patti, nhân viên cơ quan O.S.S. (Office of Strategic Services - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA), là một nhân chứng cho những sự kiện lịch sử này. Trong Thế chiến II, Hoa Kỳ dựa vào Việt Minh cho mục đích tình báo và hỗ trợ cứu giúp phi công. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, họ cung cấp cho Việt Minh một số vũ khí và tổ chức đào tạo. Đại tá Patti tới Hà Nội để giám sát việc đầu hàng của quân Nhật tại đây. Ông mô tả “một khung cảnh đầy màu sắc và ấn tượng” khi viết về lễ đón phái bộ Mỹ ngày 26.8.1945. Một đoàn người Việt Nam đông đảo, gồm cả ban nhạc lính, tập hợp trước nơi ông trú ngụ. Họ đến với cờ của bốn nước Đồng Minh và lá cờ Việt Nam.

Trong vài giây, các lá cờ được hạ xuống trừ lá cờ “sao và vạch” và ban nhạc chơi bản “Star-Spangled Banner” (“Ngọn cờ dát sao”, tức quốc ca Mỹ). Đó là lần trình diễn hay nhất bản này mà tôi được nghe thấy ở Viễn Đông. Ở nốt nhạc cuối cùng, các lá cờ được kéo lên và thủ tục được lặp lại trong thứ tự các nước, tiếp theo là Liên Xô, Anh, Trung Hoa và cuối cùng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Người chỉ huy đội ngũ, trưởng ban nhạc, và các đơn vị duyệt binh đi qua. Khi đoàn cuối đi ra khỏi cổng, tôi thấy một đoàn dài dân thường, sóng hàng mười, cầm theo nhiều cờ và biểu ngữ… Đoàn diễu hành của họ được những em bé học sinh dẫn đầu, theo sau là những thiếu niên và người lớn… cùng hát quốc ca.

Patti đã không biết rằng ông đang đề cập đến Tiến quân ca. Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp nói với ông: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này”(6).

Bản quốc ca là một biểu tượng đưa Việt Nam đến với cộng đồng ngoại giao của các quốc gia trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám 1945 là một dịp thử sớm của việc tạo ra nghi lễ mới - nghi lễ cần đến vận động số đông quần chúng. Qua đó, họ đặt khao khát của mình vào một lá cờ và một tác phẩm âm nhạc mà họ thấy tượng trưng cho nhân dân. Lời ca của tác phẩm âm nhạc cầu mong tự do, độc lập, đoàn kết, tranh đấu, bao gồm cả bạo lực cần thiết, để đạt được những mục tiêu vì quyền lợi đất nước mình.

(Trích Quốc nhạc Việt Nam - hành trình tìm kiếm bản quốc ca)

__________________

(1) Văn Cao, “Bài Tiến quân ca”, 4.

(2) Hoàng Đình Quý. “Bài hát Tiến quân ca đã vang trên đường phố trong Tổng khởi nghĩa 25.8.1945”, Sài Gòn giải phóng, 25.8.1989.

(3) Vũ Đình Hòe, Hồi ký tập 1, 313.

(4) Trần Huy Liệu, “Đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào”, Tập san Nghiên cứu Lịch sử, 17.8.1960, 42.

(5) Văn Cao, “Bài Tiến Quân Ca”, 5; Văn Cao, “Tiến quân ca’ ngày ấy”, Văn nghệ 34, 25.8.1990, 1.

(6) Archimedes L.A. Patti, Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross, 198 - 199.

Jason Gibbs <i>(Mỹ), Nhà nghiên cứu âm nhạc</i><br>Nguyễn Trương Quý dịch