Trục lợi bảo hiểm có là tội phạm?

Thảo Linh 27/08/2016 07:18

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, chỉ có thể trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ, ít người “dám” trục lợi bảo hiểm nhân thọ bởi đây là lĩnh vực không ít thì nhiều có liên quan trực tiếp tới sức khỏe, sinh mạng của người tham gia bảo hiểm. Thế nhưng vụ việc xảy ra mới đây cho thấy góc nhìn khác về trục lợi bảo hiểm.

Theo đó, ngày 5.5, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông đường sắt làm nạn nhân nữ tên N, 30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Sau hơn 3 tháng điều tra, cơ quan công an kết luận đây không phải là vụ tai nạn mà chị N đã thuê người chặt tay và chân mình sau đó trình báo công an là bị tai nạn tàu hỏa nhằm mục đích hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ.

Tiếp đó, đến cuối tháng 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định không khởi tố hình sự do hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa hoàn thành, bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội. Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đề xuất Công an quận ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác và hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Nghị định 167/2013.

Các chuyên gia và những người công tác trong lĩnh vực bảo hiểm đều khẳng định, vụ việc nêu trên chưa từng có ở nước ta. Xung quanh quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng cho rằng, cần phải khởi tố vụ án, luồng khác lại cho rằng không khởi tố vì không phạm tội. Thế nhưng cái cốt lõi, cái rõ nhất, dễ thấy nhất ở đây chính là nhận thức của người dân còn hạn chế và những khoảng trống về pháp lý. Như Bộ luật Hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009 không quy định về tội danh gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Nhưng đến Bộ luật Hình sự năm 2015, tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã được quy định ở Điều 213. Theo đó, cá nhân thực hiện một trong các hành vi như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hợp đồng, tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, nếu chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Tuy nhiên, do Bộ luật hiện tạm thời chưa được thực thi, trong khi chờ Bộ luật có hiệu lực thì nguyên tắc là sẽ áp dụng luật theo hướng có lợi cho người dân.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc, giai đoạn 2007 - 2012, bảo hiểm phi nhân thọ bị trục lợi đến 250 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ là hơn 550 tỷ đồng. Do vậy, đã đến lúc cần nhanh chóng luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm, nếu không sẽ gây tác hại rất lớn. Như trong vụ việc này, dẫu rằng còn có những ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng người chịu thiệt thòi nhất là nạn nhân, cho dù hiện tại chưa bị xử lý bằng các biện pháp hình sự nhưng chắc chắn rằng những ảnh hưởng về tâm lý và sức khỏe là khó tránh khỏi. Do vậy, cần thiết phải có hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng tiền mất, tật mang; vừa đáng thương vừa đáng tội như trường hợp vừa xảy ra.

Thảo Linh