Mô hình nào cho kiểm toán độc lập?
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển kiểm toán độc lập ở Việt Nam và xác lập mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán độc lập diễn ra hôm qua (25.8), tiềm năng phát triển lĩnh vực kiểm toán độc lập ở nước ta hiện khá lớn. Tuy nhiên, nếu không hoàn thiện các quy định liên quan, doanh nghiệp kiểm toán sẽ khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập.
Nhiều hạn chế và rủi ro
Năm 1991, thị trường dịch vụ kiểm toán được hình thành với sự ra đời của hai công ty kiểm toán đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính là VACO và AASC. Năm 2012, Luật Kiểm toán độc lập chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để phát triển thị trường kiểm toán độc lập. Sau 25 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực kiểm toán độc lập đã dần khẳng định được vị thế và uy tín trong nền kinh tế thị trường, được doanh nghiệp và xã hội thừa nhận. Thông qua hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, các công ty kiểm toán đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách về tài chính; loại bỏ được chi phí bất hợp lý. Bên cạnh đó, kiểm toán độc lập còn góp phần thực hiện công khai, minh bạch thông tin tài chính; ngăn ngừa và phát hiện sai phạm tài chính; tạo thêm sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam…
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa, hoạt động kiểm toán độc lập còn có những hạn chế như quy mô thị trường còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc tăng trưởng về số lượng chưa đi liền với chất lượng. Nhiều công ty kiểm toán liên tục thay đổi pháp nhân, nhân sự kiểm toán viên cũng dịch chuyển và xáo trộn không ngừng. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng giá phí kéo dài trong nhiều năm khiến chất lượng kiểm toán có dấu hiệu đi xuống…
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Kế toán - Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân bổ sung: Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đang khiến áp lực cạnh tranh cùng những rủi ro trong quá trình hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập không ngừng gia tăng. Theo đó, các công ty phải cạnh tranh khách hàng và cạnh tranh nhân sự do kiểm toán viên nước ngoài có thể đến hành nghề tại Việt Nam và các công ty nước ngoài cũng có thể lập chi nhánh tại Việt Nam. Điều này có thể khiến công ty chấp nhận kiểm toán với chi phí thấp hoặc thời gian ngắn dẫn đến chất lượng không bảo đảm. Chưa kể, công ty kiểm toán có thể dễ thỏa hiệp để duy trì khách hàng và doanh thu, lợi nhuận; qua đó kiểm toán viên không còn tính độc lập, khách quan. Áp lực cạnh tranh gia tăng cũng khiến nhiều công ty kiểm toán chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu về doanh thu, số lượng khách hàng thay vì chú trọng đến hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán. Thực tế cho thấy, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã đình chỉ hành nghề 28 kiểm toán viên, năm 2014 là 15 kiểm toán viên. Lý do cơ bản là không tham gia đủ số giờ cập nhật kiến thức theo quy định.
|
Doanh nghiệp kiểm toán nên là công ty hợp danh
Theo Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh, kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập có mối quan hệ mật thiết hữu cơ, không thể tách rời trong guồng máy quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản… của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh tài sản và tài chính nhà nước trong các doanh nghiệp chiếm tới 60 - 70% tổng tài sản của doanh nghiệp, kiểm toán nhà nước “rất cần và nên sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm tra, đánh giá, có ý kiến về thực trạng tài chính cũng như thông tin tài chính của các doanh nghiệp có vốn và tài sản nhà nước”.
Hiện, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán đã tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, gồm Luật Kiểm toán độc lập, nghị định hướng dẫn hệ thống chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Song, theo các chuyên gia, quy định nhằm đánh giá các vấn đề về kiểm soát, tính minh bạch và chất lượng hoạt động của các công ty kiểm toán chưa thực sự tốt; các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán cũng như năng lực kiểm toán viên chưa thực sự được chú trọng xây dựng. Thêm vào đó, tuy đã có Luật Kiểm toán độc lập cùng hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhưng vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc vận dụng các chuẩn mực này. Điều này dẫn đến việc có nhiều công ty vừa được các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán, xác nhận thực trạng tài chính nhưng sau đó lại đứng trên bờ vực phá sản, hay phá sản với những khoản lỗ hàng chục, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như Vinashin…
Từ những thực tế đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước Lê Huy Trọng cho rằng, cơ quan quản lý nên quy định doanh nghiệp kiểm toán thành lập và hoạt động theo hình thức công ty hợp danh. Khi đó, trách nhiệm của các thành viên sẽ tăng lên và công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong mỗi doanh nghiệp sẽ được chú trọng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu thêm các văn bản chính thức chuyển giao thêm chức năng, quyền hạn cho Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam; luôn nghiên cứu, cập nhật thông lệ quốc tế để kịp thời xây dựng và ban hành các chuẩn mực mới điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán.
Về phía các công ty kiểm toán độc lập, để giảm rủi ro trong bối cảnh hội nhập kinh tế, theo các chuyên gia, cần nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và duy trì đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp để mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, bởi thực tế hiện nay nhiều khách thể kiểm toán có quy mô vừa hay nhỏ có nhu cầu kiểm toán hoạt động, tư vấn thuế, tư vấn quản trị hơn là báo cáo tài chính…
Theo số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), hiện cả nước có khoảng 140 công ty kiểm toán độc lập hoạt động với 3.837 nhân sự có Chứng chỉ Kiểm toán viên; cung cấp dịch vụ cho 36 nghìn doanh nghiệp, tổ chức thuộc các loại hình cũng như các thành phần kinh tế khác nhau. Năm 2014, tổng doanh thu toàn thị trường kiểm toán độc lập đạt 4.583 tỷ đồng, trong đó mảng dịch vụ chính yếu là dịch vụ kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính đạt hơn 2.300 tỷ đồng. |