Đừng để công nghệ chi phối lối sống

Ngô Hương Giang
Viện Triết học
26/08/2016 07:53

Một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang xem máy vi tính, điện thoại là phương tiện chủ yếu để tiếp nhận thông tin, làm việc, giao lưu, kết bạn, thể hiện tâm tư tình cảm. Họ suy nghĩ và làm việc theo chủ quan nhiều hơn là lắng nghe và đối thoại với người khác, khiến cho mối quan hệ giữa người với người ngày càng lỏng lẻo.

Rũ bỏ thói quen xấu

Thời gian gần đây, báo chí, truyền thông có bàn nhiều về thói hư tật xấu của người Việt, trong đó có thói ích kỷ. Tất nhiên, sự ích kỷ này không đồng nghĩa với chủ nghĩa cá nhân. Bởi chủ nghĩa cá nhân, hay sự đề cao cái “Tôi” của mỗi con người cũng có mặt tích cực là khi nhìn thấy sự tiến bộ của người khác thì tự bản thân sẽ cảm thấy hổ thẹn và nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mình, thậm chí có thể đạt đến sự tiến bộ cao hơn. Nhưng hiện nay, có một bộ phận người Việt, thậm chí biết bản thân còn nhiều yếu kém, năng lực còn hạn chế nhưng thay vì nỗ lực học hỏi, sáng tạo, vươn lên để chiếm lĩnh một thắng lợi về mặt trí tuệ và danh dự, thì lại đố kỵ, nói xấu, gây tổn hại đến người khác. Chính điều này đang kéo lùi sự tiến bộ, văn minh của xã hội.

Thói ích kỷ có một phần lỗi do giáo dục, bao gồm cả giáo dục trong gia đình và trong nhà trường, nhưng cũng có một phần lỗi nằm ngay ở chính văn hóa truyền thống để lại. Văn hóa truyền thống vốn xuất phát từ kinh nghiệm, có thể đúng có thể sai, có những mặt tích cực nhưng cũng không ít yếu tố không còn phù hợp và cần gạt bỏ. Nhưng dường như người Việt vẫn còn thiếu một thái độ dứt khoát, thiếu sự dũng cảm để rũ bỏ những thói quen xấu đã ăn sâu vào nhận thức, trong suy nghĩ và hành động. Chẳng hạn, tính gắn kết cộng đồng dưới ảnh hưởng của văn minh lúa nước đã làm nảy sinh một số tật xấu và cho đến nay vẫn tồn tại như sở thích khoe khoang, kể lể, bàn tán về người khác và đôi khi bị biến tấu thành thói a dua, hùa theo đám đông để nói xấu người khác. Thực ra, nguyên tắc để thúc đẩy phát triển văn hóa chính là kế thừa những yếu tố tích cực của quá khứ và gạt bỏ những yếu tố không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Đừng để công nghệ chi phối lối sống, hành vi của trẻ
Đừng để công nghệ chi phối lối sống, hành vi của trẻ

Nên tách khỏi cuộc sống ảo

Bàn về lối sống thiên về cá nhân, ích kỷ của giới trẻ hiện nay, có lẽ chúng ta không nên đổ lỗi cho tác nhân bên ngoài. Bởi trong thực tế, một số nước tư bản ở phương Tây đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng nhân văn vì con người bị lệ thuộc vào truyền thông, internet, mạng xã hội… Những năm 1990, ở một số quốc gia tư bản, người ta nói một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của con người và xã hội là “bệnh lười”. Không phải là lười lao động mà là lười tiếp xúc, lười gắn kết với cộng đồng, lúc nào con người cũng chỉ dán mắt vào tivi, điện thoại… Bây giờ, giới trẻ Việt Nam cũng như vậy, luôn cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh, sử dụng ứng dụng facebook, zalo... bất kể là đang ở đâu hay đang làm việc gì. Một ví dụ đơn giản nhất là có những người dù hẹn gặp nhau ở quán café nhưng đến nơi thì mỗi người lại chỉ chú tâm vào điện thoại để lướt web hay tán chuyện với người khác trên facebook.

Một bộ phận giới trẻ tại Việt Nam ngày càng có xu hướng suy nghĩ và làm việc theo chủ quan nhiều hơn là lắng nghe và đối thoại với người khác. Từ đó dẫn đến hiện tượng con người máy móc, cục bộ, xem tất cả những phán đoán cá nhân của mình là đúng, xem những tin tức trên mạng xã hội là chuẩn xác, mà không suy nghĩ kỹ để phân tích tính xác thực của thông tin. Ngay cả việc bày tỏ tình cảm, thái độ với người thân cũng không trực tiếp mà qua tin nhắn trên điện thoại và qua facebook. Với mạng xã hội, việc kết bạn hay hủy bỏ một mối quan hệ cũng trở nên dễ dàng hơn thông qua một click chuột trên máy tính, giữa con người với con người ít có đối thoại nên cũng không thể có sự thấu hiểu nhau để hàn gắn mối quan hệ…

Ở các quốc gia phát triển, con người đã biết cách điều chỉnh và tự tách ra khỏi cuộc sống ảo. Đơn cử như Mỹ, nơi cung cấp lượng điện thoại Iphone lớn nhất thế giới nhưng điều đặc biệt là người Mỹ lại sử dụng Iphone gần như thấp nhất. Họ đã thức tỉnh, nhận ra những chiếc điện thoại, ipad hay tivi chỉ là công cụ để làm việc chứ không phải như một thứ quyền năng mà con người phải bấu víu vào. Chính nhờ sự thức tỉnh đó mà nghệ thuật đường phố đang rất phát triển ở những quốc gia này vì nó giúp con người kết nối với nhau một cách tự nhiên, rời xa thế giới công nghệ để hòa nhập với đời sống cộng đồng.

Giới trẻ tại Việt Nam đã và đang được tiếp cận với internet rất nhanh mà không được học bài học đạo đức khi ứng xử với máy tính, internet. Do đó, gia đình và nhà trường cần đóng vai trò định hướng để họ nhận ra rằng đó chỉ là công cụ để con người bớt vất vả, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, chứ không phải là phương tiện chi phối nhân cách, hành vi, lối sống cũng như cách ứng xử của mỗi cá nhân.

Ngô Hương Giang <br><i>Viện Triết học</i>