Tư tưởng Việt Nam: Nhân bản thực tại luận
Bài 3: Thực chất từ thực tại
Ca dao, tục ngữ và truyện cổ tích tích lũy tư duy, tình cảm, cách sống của nhân dân Việt Nam được tinh lọc qua nhiều thế kỷ; ghi lại quan niệm của nhân dân về nhân sinh, vũ trụ, về tình người, lao động, tâm lý, đạo đức... Kho tàng văn học này thuộc hệ thống giáo dục gia đình mà chiến tranh hay giặc xâm lược không thể tàn phá. Thử tìm hiểu triết lý, tư tưởng của kho tàng ấy, qua một số nét tiêu biểu.
Quan niệm về ông Trời và vũ trụ
Về gốc của ông Trời và vũ trụ, triết học phương Tây và các nước đã bàn đến rất nhiều. Thẩm quyền xác định thì chẳng ai có. Qua “triết lý quanh đèn”, bình dân Việt Nam xây dựng câu chuyện rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng rất thiết thực, rất người và rất thâm viễn. Truyện kể có ông Trời tạo ra Vũ trụ và con người. Ông Trời thì có bà Trời, gia đình và triều đình như ở thế gian. Sau khi làm ra vũ trụ, ông Trời dùng phần tinh chất của cặn bã còn lại làm ra người. Phần cặn bã nhất thì làm ra loài vật. Trời sai 12 bà mụ nặn ra các hình người, rồi dạy đi, dạy bò, dạy ăn, dạy nói... Trời thấy loài rắn độc ác bèn phán phải chết, còn người thì tốt nên cho thay lốt sống mãi. Nhưng vị thiên sứ bị rắn áp bức, mua chuộc đã truyền lệnh ngược lại: “Rắn già rắn lột”, “Người già người tuột vào săng”. Từ đó con người phải chết, còn rắn thì lột xác sống dai. Do vì trái lệnh nhà Trời, thiên sứ bị đày xuống trần gian làm con bọ hung trong nhà xí.
![]() Lễ rước Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên sông Hồng |
Câu chuyện trên biểu hiện mấy nét nổi bật: Cái ông Trời và vũ trụ tạo ra thực sự là do con người, nhân dân tạo ra. Nó là những gì như nó đang là. Con người do nhiều yếu tố, điều kiện, nhân duyên tạo thành, mà thực sự không do một đấng siêu nhiên nào tạo ra. Con người có sinh thì có chết, đó là quy luật tự nhiên.
Vũ trụ quan vừa đề cập là cách nhân dân Việt Nam trả con người và thiên nhiên trở về với thực tế, thực tại và từ chối về câu hỏi nguồn gốc: Nếu vũ trụ là thật thì sự thật chính là nó rồi; nếu vũ trụ là không thật, thì không thật là không có gốc, đâu cần có câu hỏi về nguồn gốc. Triết lý của Việt Nam là thế, là tư duy thực tại và tư duy con người: Con người là con người của thực tại, và thực tại là thực tại của con người.
Tình người, tình nước non...
Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.
Con ơi nhớ trọn lời thề/ Tự do, độc lập không nề hy sinh.
...
Triết lý chiếc nôi, hay lời ru của mẹ, bao gồm nhiều ý nghĩa của cuộc đời, người con đủ vốn kinh nghiệm khôn ngoan để sống trọn cuộc đời, nếu không nói là có thể kéo dài kinh nghiệm sống đến cả thiên niên kỷ.
Tình lứa đôi
Hôm qua tát nước đầu đình/ Để quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu…
Trai gái hằng ngày lao động vẫn gặp nhau và trao đổi tình cảm rất nhẹ nhàng, rất dân chủ, tự chủ. Người bình dân không tự giới hạn mình trong khuôn khổ luân lý ước lệ của Nho giáo (như tam tòng, tứ đức, hay nam nữ thụ thụ bất thân). Văn học bình dân là văn học của khát vọng tình người, rất dân chủ và rất dân tộc. Nổi bật là câu chuyện tình giữa Chử Đồng Tử và công chúa vốn kén chồng rất trữ tình. Nhân dân đã sắp đặt cho hai người gặp nhau trong một thiên duyên kỳ ngộ, phá đổ thành kiến giai cấp, “môn đăng hộ đối”. Đó là tình yêu giữa hai đầu giai cấp cách biệt của xã hội: yêu là tiếng nói của hai con tim, chân thành, đầy tình người. Đây là tiếng nói rất nhân bản, rất người, rạng rỡ về mặt tư tưởng nhân văn: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, trước cái sống, cái chết, và tình yêu. Đây là ý chí và trí tuệ của nhân dân.
Triết lý hành động
Ru hời ru hởi là ru/ Bên cạn thời chống, bên su thời chèo.
Vấn đề là thuyền đi tới (bất biến). Chống hay chèo thì tùy vào chỗ nước nông, nước sâu (tùy duyên, ứng vạn biến). Mục tiêu của hành động thì bám trụ, còn phương tiện hành động thì linh động tùy duyên. Đấy là lý lẽ, kinh nghiệm từ thực tế của thực tại. Người đời sau đó nói mèo trắng hay mèo đen gì cũng được, miễn là bắt được chuột cũng cùng một ý. Thực tại là nguồn sự thật của nhân dân.
Triết lý về hai mặt của thực tại
Kinh đô cũng có người rồ/ Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên.
Kinh đô là nơi sống của tập thể quần chúng có văn hóa cao, thì ở đấy vẫn không thiếu mặt những người rồ dại. Man di là vùng đất của văn hóa thấp, cũng không thiếu mặt các sinh đồ trạng nguyên. Lời ru nhắc ta nhớ đến một lập luận triết học của Lão Tử rằng: “Thấy cái xấu mà không thấy cái tốt của cái xấu ấy là không thật thấy. Thấy cái tốt mà không thấy cái xấu của cái tốt ấy cũng không phải thật thấy”. Người bình dân Việt Nam cũng thâm trầm như Lão Tử do quan sát kinh nghiệm từ thực tại của cuộc sống. Thực tại quyết định sự thật.
Triết lý về giá trị
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Hay: Ra đi mẹ đã dặn lòng/Cam chua mua lấy, ngọt bồng chớ mua. Đây là chân giá trị mà người bình dân chọn: thực chất từ thực tại, của thực tại, mà không phải là các giá trị hình thức của hệ thống luân lý phong kiến.
Trí tuệ của người bình dân cũng rất thiết thực, hiện thực, mà không bị đánh lừa bởi những gì phi thực, siêu thực, xa thực tế. Như ca dao đã viết về chuyện thằng Bờm: Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ Phú Ông xin đổi một xâu cá mè/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi/ Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!
Nắm xôi là vừa phải với giá trị cái quạt mo. Bình dân rất điềm tĩnh và sáng suốt nhìn thấy chân giá trị của từng sự vật, hiện tượng.