Tôn vinh

TS. Nguyễn Đình San 03/08/2016 07:44

Tôn vinh là giới thiệu, bình luận theo hướng ngợi ca, suy tôn một cá nhân hay tập thể nào đó có thành tựu, đóng góp tốt cho cộng đồng, thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm khích lệ họ phát huy trong lao động, sáng tạo. Trong nhiều hình thức tôn vinh, báo chí và các phương tiện truyền thông đóng vai trò hữu hiệu, qua nhiều chuyên mục như: Đối thoại, gặp gỡ, chân dung, khách mời… Bên cạnh những tờ báo luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tượng tôn vinh, đã có không ít tờ báo tỏ ra tùy tiện, khiến người đọc không đồng tình, mất đi sức thuyết phục. Rõ nhất là trong lĩnh vực văn nghệ.

Chắc chắn mọi người đều dễ dàng đồng tình một tiêu chí để tôn vinh bất cứ ai là cá nhân ấy phải xuất sắc, nổi trội, có ảnh hưởng đến phong trào, có sức thuyết phục với số đông, nêu một tấm gương, bài học về khía cạnh nào đó. Thường thì những người đạt được các điều trên dễ nổi tiếng. Song, không hoàn toàn như vậy, nhất là ở nước ta khi mặt bằng dân trí chưa cao thì dễ có ngộ nhận: Cứ ai được nhắc đến nhiều là “nổi tiếng”, bất kể có gì đặc biệt hay không.

Việc tôn vinh trên báo chí lâu nay có nhiều điều khá… kỳ khôi. Trước hết là không xứng đáng. Có những văn nghệ sĩ bình thường về mọi mặt, nhưng được một vài tờ báo dành cho cả trang kèm vài chiếc ảnh to đùng để nói về nghệ thuật, về cuộc đời. Trong việc tôn vinh này, đã bộc lộ rõ khuynh hướng “câu khách”. Chỉ cần một diễn viên trẻ đẹp, có thể chỉ vừa xuất hiện hoặc đang được một bộ phận công chúng trẻ tuổi ở thành thị để ý là có thể có ngay nhiều bài báo dài nói về họ. Nói về lao động nghệ thuật của họ thì ít, dĩ nhiên vì không có gì để nói, mà chủ yếu nói về đời tư và những chuyện chẳng liên quan gì đến công việc chính.

Thứ hai là tuy một số người có tài, khiến số đông công chúng ghi nhận, thực sự nổi trội, nhưng đời tư lại quá tai tiếng. Họ sống buông thả, ích kỷ, nhiều khi vô lối, nhất là bất chấp đạo lý, những chuẩn mực tình cảm truyền thống để sẵn sàng chạy theo dục vọng cá nhân. Vậy mà vẫn có những tờ báo phỏng vấn, để họ nói về hôn nhân gia đình, cứ như răn dạy thiên hạ. Thật phản cảm khi người sống quá tệ bạc trong đạo vợ chồng, trong ứng xử với cộng đồng, lại lên báo răn dạy mọi người về những điều họ đang vi phạm.

Có một vài tờ báo chưa bao giờ bị coi là “lá cải” đã đặt tôi viết bài giới thiệu chân dung các văn nghệ sĩ. Trước khi viết, để khỏi bị “đổ” bài, tôi liệt kê một danh sách, chủ yếu hướng đến những ngườì có dấu ấn thực sự trong đời sống tinh thần của công chúng, lại không có “xì-căng-đan”. Tuy nhiên, người đặt bài đã bỏ đi khá nhiều tên tuổi và yêu cầu thay bằng một số người mới nổi trong giới showbiz, mà tôi cho rằng nếu công bằng thì cần chê, phủ nhận họ hơn là nhắc đến, chưa nói đến tôn vinh.

Mới hay, tôn vinh trên báo chí không thể là việc làm tùy tiện, chỉ theo sở thích, “gu” riêng của người viết cần chặt chẽ hơn trong việc lăng xê các đối tượng để xứng đáng với tài năng cũng như tầm ảnh hưởng của họ.

TS. Nguyễn Đình San