Nhân lên lòng tốt

Trần Thị Nhung
Giáo viên Trường THCS Giáp Bát, Hà Nội
01/08/2016 08:08

Sự hoài nghi của con người đang quá lớn. Trước việc tốt, thay vì gieo niềm tin để khuyến khích, người ta thường đặt dấu hỏi tại sao, động cơ là gì... Kết quả không như ý, thay vì xác minh tường tận đã vội vàng phán xét, định tội người khác. Trong khi cuộc đời sẽ đẹp hơn biết mấy nếu con người biết đặt vào hoàn cảnh của nhau.

Sự lạnh lùng giết chết sự thật

Theo dõi diễn đàn Xây dựng con người Việt Nam nhân văn - trách nhiệm - sáng tạo trên Báo Đại biểu Nhân dân có ý kiến cho rằng “bản chất của người Việt là nhân văn”, tôi băn khoăn về điều này. Bởi thực tế trong xã hội ngày nay có rất nhiều việc khiến ta thấy rằng sự nhân văn ấy dường như dần trở nên quá đắt đỏ. 

Cô giáo Trần Thị Nhung và các bệnh nhân ung thư viện K2, Hà Nội
Cô giáo Trần Thị Nhung và các bệnh nhân ung thư viện K2, Hà Nội

 “Tôi đánh giá cao yếu tố phê nhưng phê để cho người khác nhận ra cái sai của mình là một lẽ, để người ta nhận ra mà tự sửa là cả một nghệ thuật. Đừng vin vào câu phê và tự phê khi không có tình người trong đó, bởi lời nói có sức lay động, nâng đỡ tâm hồn con người nhưng cũng có sức hủy diệt con người. Nếu biết trao đi những lời lẽ xuất phát từ trái tim thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, giúp con người hướng thiện, xã hội tốt đẹp hơn”.

Gần đây tôi đọc bài báo về trường hợp cô giáo mầm non ở Trà Vinh phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch, để trốn khỏi lời gièm pha của người xung quanh, đúng hơn là để thoát khỏi lời định tội vội vàng của một vài cá nhân đã bị người ta a dua, thổi bùng lên. Ở góc độ đồng nghiệp, tôi thấy buồn khi công đoàn là nơi cô ấy gắn bó lại phê phán nhiều nhất, muốn đưa cô ra khỏi ngành trong khi đúng - sai chưa rõ. Hay cách đây vài hôm, tôi đưa tiễn một học trò qua đời vì tai nạn giao thông, rồi đọc được một số bài báo, lời bình luận, chia sẻ trên Facebook… mà thấy vô cùng chua xót. Những lời lẽ giật gân, câu khách, lời chỉ trích nặng nề khiến ngay cả tôi, chỉ là cô giáo đã thấy vô cùng đau đớn, phẫn nộ, thì bố mẹ, người thân của em sẽ cảm thấy thế nào?

Bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, con người dễ bị rối loạn khi tiếp nhận các luồng tin, lẫn lộn thật - giả. Nhiều người tin và chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng; suy nghĩ giản đơn, đánh giá, phán xét người khác một cách vội vàng khi chưa hiểu sự việc ra sao… Đó là vấn đề đang diễn ra ở xã hội, là cách con người đang cư xử với nhau. Nhưng để khắc phục cũng không dễ dàng, bởi sức ép từ xã hội. Trường hợp cô giáo ở trên, tôi nghĩ không phải không có đồng nghiệp hiểu và chia sẻ, nhưng vấn đề là họ không nói và không dám nói lên sự thật. Bộ phim tư liệu về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn có lời bình: “Chính sự lạnh lùng của những người còn sống đã giết chết sự hy sinh của những người đã mất”. Tôi nghĩ rằng hiện nay, sự im lặng và lạnh lùng đang giết chết sự thật và giết cả những người còn sống! Rất nhiều người nhận thức được nhưng không dám đứng lên đấu tranh bênh vực cái tốt vì sợ liên lụy. Thậm chí bản thân họ dù thiệt thòi nhưng cũng không dám đứng lên bảo vệ chính mình thì người khác làm sao có thể bảo vệ họ?

Vì vậy, xây dựng con người trước hết là giúp cho mỗi người biết xem xét, giải quyết vấn đề bằng lòng nhân ái, vị tha. Nếu ai cũng nhìn nhận sự việc bằng một cái đầu lạnh và trái tim nóng thì xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
 
Bỏ qua định kiến

Tôi thấy xã hội bây giờ đang làm cho người với người hoài nghi nhau nhiều hơn. Trước việc tốt, thay vì gieo niềm tin để khuyến khích, người ta thường đặt dấu hỏi tại sao, động cơ là gì... Thời gian bắt đầu chương trình “200 hộp sữa mỗi tuần cho bệnh nhân K2, K3” (cô Trần Thị Nhung là Chủ nhiệm chương trình này - BTV) là những ngày tôi sống trong nước mắt với ý nghĩ làm người tốt khó quá! Khi cô trò ngồi vuốt từng đồng 500, 1.000 rồi quy ra xem được bao nhiêu hộp sữa để tặng cho người bệnh thì không ít người chỉ trỏ và bảo chúng tôi trục lợi cá nhân. Có thành viên là học trò cũ khuyên tôi bỏ chương trình vì thương tôi khổ quá trước điều tiếng thiên hạ, nhưng tôi phân tích rằng, họ càng nghĩ sai thì ta càng phải mạnh mẽ, cố gắng trở thành người tử tế, duy trì chương trình tử tế để mang con người đến gần nhau hơn, xã hội nhân văn hơn. Nhờ vậy, đến nay chương trình đã duy trì được 151 tuần. Qua đó để thấy rằng, mỗi người cần trang bị kỹ năng đương đầu với thử thách, biết cách bỏ qua định kiến, coi trọng tình người để làm điều mình cho là đúng.

Thực tế khi làm chương trình ủng hộ bệnh nhân, tôi cảm nhận được xung quanh mình có rất nhiều người tốt. Vấn đề là cần động viên, khuyến khích để nhân lòng tốt ấy lên. Chính vì vậy, tôi cho rằng xây dựng con người Việt Nam phải bắt nguồn từ giáo dục tư duy, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhưng giáo dục phải được hiểu một cách sâu rộng, không chỉ gắn với giáo dục nhà trường mà cần sự phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Từ đó nâng cao ý thức của người Việt, đề cao tình người trong xã hội… Tôi luôn cố gắng dạy học sinh của mình rằng điều quan trọng cần có ở các em không phải chỉ giỏi mà còn phải giàu tình cảm. Bởi giáo dục - đào tạo là phải dạy trẻ biết dùng trái tim để cảm nhận mọi thứ xung quanh nữa chứ không phải chỉ đào tạo ra một thế hệ trẻ giỏi về tri thức nhưng lại nghèo nàn tình người.

Trần Thị Nhung<br>Giáo viên Trường THCS Giáp Bát, Hà Nội