Khi đàn sếu không về

Thư Quỳnh 24/07/2016 06:26

Sếu đầu đỏ không chỉ là biểu tượng của Tràm Chim, mà còn là biểu tượng của lòng chung thủy: mỗi cặp sếu khi đã kết đôi sẽ sống với nhau trọn đời và khi một con mất đi, con còn lại sẽ nhất quyết “ở vậy” hoặc tuẫn tiết theo bạn đời. Vậy mà, sếu lại bỏ đất mà đi!

Trong ký ức của tôi và hẳn là nhiều người, hình ảnh đàn sếu đẹp nhất có lẽ là trong bộ phim “Khi đàn sếu bay qua” - tác phẩm điện ảnh kinh điển duy nhất từng giúp Liên Xô giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1958 và từng được chiếu trên sóng truyền hình ở ta những năm 1980. Ấy là lúc hai người trẻ tuổi yêu nhau cùng ngước nhìn lên bầu trời, dõi theo hình ảnh đàn sếu kết thành vệt dài hình chữ V - như chính tên cô gái Veronica, với vẻ đẹp thanh khiết, trong ngần. Sau này, khi chỉ còn mình cô gái ở lại, thì vệt chim hình chữ V kia lại ít nhiều khiến tôi liên tưởng đến hình một chiếc tên lửa - bóng ma của chiến tranh, dù trong mắt các nhà phê bình, thì họ lại cho đó là biểu tượng của hy vọng, và sự hồi sinh…

 Hoặc nếu không, thì cũng là trong bài hát Nga “Đàn sếu” (mà nhiều người nhầm tưởng là ca khúc chủ đề trong bộ phim nói trên). Được sáng tác sau đó 11 năm, ca khúc “Đàn sếu” thêm lần nữa lại mượn hình ảnh đàn sếu để vẽ nên biểu tượng cao đẹp của những người lính Hồng quân đã ra đi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước bạn…

Trừ khi, bạn đã từng may mắn có được một lần trong đời ngắm sếu đầu đỏ ở Tràm Chim. Tôi đã đến Tràm Chim, nhưng lại chưa có may mắn được ngắm nhìn biểu tượng riêng có của vườn quốc gia này. Đang định đợi tới mùa xuân để quay lại, thì được tin sếu đầu đỏ - biểu tượng một thời của Tràm Chim đã đến hồi tuyệt chủng ở nơi đây. Sếu đầu đỏ không chỉ là biểu tượng của Tràm Chim, mà còn là biểu tượng của lòng chung thủy: mỗi cặp sếu một khi đã kết đôi sẽ sống với nhau trọn đời và khi một con mất đi, con còn lại sẽ nhất quyết “ở vậy” hoặc tuẫn tiết theo bạn đời của mình. Vậy mà, sếu lại bỏ đất mà đi! Thì nguyên nhân, chỉ có thể là do con người, còn gì!

“Hoạt động khai hoang, lấn đất của con người đã thu hẹp sinh cảnh sống và hạn chế thức ăn của sếu - là mối đe dọa lớn nhất đối với loài và dần đẩy chúng ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra việc buôn bán bất hợp pháp trứng, chim non và chim trưởng thành hoặc săn bắt trứng và sếu làm thức ăn cũng khiến loài ngày càng suy giảm…” - Bài báo mới nhất cho biết. Không chỉ Tràm Chim, mà ngay cả những nơi sếu đầu đỏ từng xuất hiện như:  Láng Sen (Long An), Hòn Chông (Kiên Giang)… cũng đã dần bặt bóng loài chim có vẻ đẹp thanh cao này. Thay vì thế, sếu đầu đỏ chọn Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) - cách biên giới Kiên Giang khoảng 30km để “làm nhà”, và số lượng đang tăng dần lên một cách đầy khả quan, từ vài chục lên tới vài trăm con… Trong khi, ở ta, thì ngược lại, dù đã có những cố gắng cảm động từ Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF)…

Tràm Chim sẽ về đâu, nếu không còn sếu đầu đỏ về “làm thơ” trên rừng ngập mặn? Và những lời hẹn gặp ở Tràm Chim vào mùa xuân, liệu sẽ về đâu?

Thư Quỳnh