Bảo Ninh không buồn

Nguyên Lê 19/07/2016 07:58

Tin tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” trượt ở vòng cuối xét Giải thưởng Nhà nước 2016 được báo bạn gọi là “Nỗi buồn… Bảo Ninh”. Nhưng mình thì nghĩ, chưa chắc Bảo Ninh buồn.

Ngoài đời, mình lắm lúc dại dột đi thích mấy tay “bẻm mép”, nhưng văn chương, mình lại chỉ thích mấy anh từ tốn, nhã nhặn. Kiểu như Bảo Ninh. Nhưng Bảo Ninh không chỉ từ tốn. Ở đời, thường từ tốn thì thôi tếu táo. Đây, Bảo Ninh được cả hai! Hẳn phải là Hà Nội, mà cỡ “Hà Nội con nhà”, lại thêm chất lính, và cả cái gốc gác miền Trung nữa, thì mới ra được cái đặc sản “2 trong 1” ấy.

Nhà văn Bảo Ninh Nguồn: thethaovanhoa.vn
Nhà văn Bảo Ninh Nguồn: thethaovanhoa.vn

Mình từng có lần phỏng vấn Bảo Ninh. Lần ấy, là nghe tin ông đang viết một cuốn tiểu thuyết mới, sau bao lâu không ra được khỏi cái bóng của “Nỗi buồn chiến tranh”. Phỏng vấn Bảo Ninh rất khó, vì điện thoại của ông gần như chả mấy khi liên lạc được: Máy cố định thì thường không thấy người, máy di động thì toàn thấy một ông nào khác bảo: “Ông Ninh dùng số khác rồi nhé!” (Khéo chính là ông!). Nhưng hôm đấy, may sao ông say, và đến đoạn lết về nhà, nên mới may túm được.
 Phỏng vấn Bảo Ninh hơi hoang mang, vì vẻ như ông toàn nói lạc đề, kiểu chả tập trung, chả quan trọng điều gì. Nhưng về dựng lên, không ngờ lại rất nét, vì phải lãng đãng liêu xiêu kiểu đấy, thì mới đúng là Bảo Ninh ở ngoài đời, theo như mình thấy. Hoặc, như bạn văn thân thiết của ông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từng “vẽ truyền thần” về ông:  “Tôi chỉ thấy ông xuất hiện ở cơ quan khi có họp hành. Một cái mũ lưỡi trai cũ nhiều bụi được vò trong hai bàn tay. Ông ngồi xuống ghế và dè dặt nhìn xung quanh. Dù chẳng có chuyện gì đáng e ngại nhưng tôi cảm giác ông đang cố giấu mình trước thiên hạ…”.

Nhớ là trong bài phỏng vấn của mình, ông kể: Có lần ông ngồi tàu, nhìn cảnh vật cứ lướt qua, lùi lại phía sau, ông cũng chẳng hiểu sao mình lại không viết được tiếp. Cứ như là đoàn tàu đã lướt qua rồi, cảnh vật tưởng giống mà thật ra là đã khác đi nhiều lắm... Cuốn tiểu thuyết thứ hai vì thế cất lên cất xuống mấy lần...

 Bảo Ninh không cố ra thêm một cuốn tiểu thuyết thứ hai, sâu xa, mình tin ông có thừa tự trọng, để không cố bằng mọi giá. Văn chương mà cố quá, thì đúng là quá cố thật! Bảo Ninh biết ngại, mình tin là thế, dù có thể cái ngại đó lắm lúc hơi thái quá, như Nguyễn Quang Thiều từng “bắt bệnh”: “Bảo Ninh giống như một con rùa. Con rùa đang bò chợt thụt đầu lại khi có một cái gì đó rơi xuống cái mai của nó và thậm chí cái vật vô hại kia rơi ở đâu đấy rất xa…”.

 Mình có dạo rất hay phỏng vấn các nhà Việt Nam học, các dịch giả văn học Việt Nam. Hầu hết họ đều nhắc tới Bảo Ninh với giọng điệu vô cùng trân trọng. Với họ, Việt Nam là… Bảo Ninh, là người kể chuyện hay nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam, từ góc nhìn hậu chiến, và hơn hết, là một trong hai cái tên tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thời đổi mới... Bấy nhiêu, mình nghĩ, cũng đã đủ là phần thưởng “hơn người” của Bảo Ninh rồi. Có thêm một giải thưởng nữa cũng chả sang hơn, mà không có cũng chả vì thế mà bớt sang đi! Một giải thưởng có thể giúp “làm sang” một cái tên, nhưng ngược lại, một cái tên cũng có thể giúp “làm sang” một giải thưởng, nên chưa biết, ai mới là kẻ thiệt!...

Nguyên Lê