Mạng xã hội thay đổi cách làm truyền hình
Trong bối cảnh bùng nổ internet, mạng xã hội đã và đang trở thành xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực. Với truyền hình, mạng xã hội đang trực tiếp ảnh hưởng, tạo ra sức hút mạnh mẽ, làm thay đổi cách làm truyền hình, để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người sử dụng.
Xu hướng của thế giới
Số liệu thống kê gần đây của Pew Research cho thấy 62% thanh niên tại Mỹ chủ yếu tiếp cận tin tức thông qua mạng xã hội, cao hơn 20% so với năm 2012. Cùng với đó là xu hướng chuyển từ truyền hình trả tiền sang truyền hình internet, riêng quý IV.2015, đã có khoảng 500 thuê bao tại Mỹ rời bỏ dịch vụ truyền hình truyền thống để chuyển sang sử dụng dịch vụ truyền hình internet. Nắm bắt được xu thế này, truyền hình tại Mỹ đang phát triển hướng đến đối tượng khán giả số, thậm chí có những kênh truyền hình mới ra đời chỉ để phát trên internet, như Pluto TV - một ứng dụng truyền hình trực tuyến với hơn 100 kênh truyền hình đa dạng về nội dung và hình thức, hoạt động đa nền tảng từ máy tính, tivi thông minh, điện thoại di động hay máy tính bảng…

Là một trong những đài truyền hình lớn nhất thế giới, CNN hiện là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông trên mạng xã hội với nhiều nền tảng khác nhau như Facebook, Line, Snapchat, Instagram, Twitter... Nhờ đó, trung bình mỗi tháng CNN có khoảng 95 triệu lượt người sử dụng đọc báo, 1,9 tỷ lượt xem trên web, 300 triệu lượt truy cập trên các video, Việc CNN tiên phong và hướng đến truyền thông mạng xã hội có thể xem là lựa chọn tất yếu, bởi hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng... để xem, chia sẻ, bình luận các video trên mạng xã hội của giới trẻ ngày càng tăng cao. Ngoài ra, vốn là đơn vị truyền hình có thế mạnh về video nên CNN không thể bỏ qua truyền thông xã hội. “Truyền thông xã hội không chỉ giúp các chương trình truyền hình của chúng tôi tiếp cận được với khán giả nhiều hơn, thu nhiều lợi nhuận hơn, mà với tư cách một nhà báo, mạng xã hội còn cho phép tôi tìm ra và kể những câu chuyện mới hơn, tuyệt vời hơn, sinh động hơn” - ông Marc Lourdes, Giám đốc CNN Digital khu vực châu Á nhấn mạnh.
Tại Hàn Quốc, mạng xã hội chủ yếu thu hút sự quan tâm của đối tượng trong độ tuổi 18 - 24. Nắm bắt được thị hiếu, sở thích, nhu cầu của nhóm đối tượng này sẽ mang lại thành công cho các đơn vị truyền hình. Chia sẻ kinh nghiệm của công ty truyền thông hàng đầu tại Hàn Quốc, bà Hee Young Sohn, Giám đốc quốc tế của CJ E&M cho biết: CJ E&M đang tập trung vào mảng MCN (Multi Channel Network - đa kênh). Chúng tôi kết hợp với creator (người sáng tạo nội dung), đưa các clip họ sản xuất lưu thông toàn thế giới thông qua Youtube, từ đó tạo ra lợi nhuận cho cả 2 bên. CJ E&M cũng thu lợi nhuận bằng cách kết hợp quảng cáo, bán sản phẩm thông qua các chương trình của creator.
Thay đổi để tồn tại
Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm VTV Digital, sự bùng nổ của mạng xã hội đang thay đổi cách xem và cách làm truyền hình, đặt ra cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp truyền hình Việt Nam. Hiện nay, thời gian sử dụng internet của người Việt cao gấp 4 lần thời gian xem tivi truyền thống, và xem truyền hình online đang là lựa chọn phổ biến. Việt Nam hiện cũng là quốc gia đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượt xem video trên internet, đứng thứ 5 khu vực về lượt truy cập Youtube. Với hơn 40 triệu người Việt Nam đang tham gia mạng xã hội, các đài truyền hình Việt Nam và những người làm truyền hình nếu không có sự kết nối với mạng xã hội thì sẽ làm giảm lượng thông tin và người xem.
Bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới, cách làm truyền hình tại Việt Nam đã bắt đầu thay đổi nhờ khai thác mạng xã hội. Thời gian qua, nhiều chương trình của VTV như Bố ơi, mình đi đâu thế?, Chuyển động 24h, Bữa trữa vui vẻ… nhận được rất nhiều sự quan tâm của người xem cũng như mang về nhiều lợi nhuận quảng cáo cho VTV chính là nhờ có sự tương tác trên mạng xã hội thông qua các kênh như ứng dụng VTV Go, VTV news, và các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram… Đặc biệt, chiến dịch EURO 2016 vừa qua đã mang lại thành công lớn cho VTV. Những bình luận trước trận đấu được đưa lên fanpage của VTV Go, giúp chương trình tương tác với khán giả nhiều hơn và chỉ sau 1 tháng đã có thêm 5 triệu người dùng đăng ký ứng dụng VTV Go.
Mạng xã hội không chỉ là kênh cung cấp thông tin liên tục, giữ cho các chương trình truyền hình liên tục được cập nhật, mà còn giúp truyền hình có sự tương tác 2 chiều với khán giả. Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thành Lương cho rằng: “Chúng ta cần hiểu rằng tác động của mạng xã hội rất quan trọng, từ đó dần thay đổi cách thức sản xuất chương trình truyền hình truyền thống, chuyển sang sản xuất các chương trình khác tiến tới mô hình truyền hình hội tụ, tức là các đơn vị sản xuất phải hướng đến các chương trình truyền hình số dành riêng cho mạng xã hội”.
Thay đổi hoặc là tụt hậu. Ngành công nghiệp truyền hình nếu muốn tồn tại trong kỷ nguyên số, cần biết cách khai thác hiệu quả mạng xã hội. Những người làm truyền hình cần nắm bắt được tâm tư, thấu hiểu suy nghĩ, cách tiếp nhận thông tin của người xem thì mới có thể sản xuất ra những chương trình phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người dùng trên mạng xã hội.