Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- bằng cách nào ?

Hà An 16/07/2016 09:57

(ĐBNDO)- Trước thực trạng quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng đang bị xâm phạm, bà Phạm Quế Anh – chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng, dù ở lĩnh vực nào thì tín dụng tiêu dùng chỉ được coi là có hiệu quả khi có cơ chế giải quyết khiếu nại hợp lý, hiệu quả để có thể đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng. Cùng với đó là cần nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng.

- Là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tín dụng, bà đánh giá như thế nào về thực trạng vay tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam?

Bà Phạm Quế Anh: Theo chuyên gia và các công ty tài chính tín dụng lớn trên thế giới đánh giá, thị trường tín dụng Việt Nam là thị trường lớn, mới nổi, tiềm năng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, khung pháp lý chưa hoàn thiện. Trong khi đó, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được hình thành từ 2011. Chính vì vậy, dẫn đến việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng còn tràn lan, gây tổn hại khá lớn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia GIZ Ảnh: Hà An
    Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia GIZ Ảnh: Hà An

- Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Quế Anh: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, họ xây dựng một khung pháp lý đầy đủ. Ví dụ Mỹ là một quốc gia chịu thiệt hại khá nặng nề cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra, xảy ra tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trước thực trạng này, Mỹ đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính riêng để bổ sung thêm vào Luật Bảo vệ tiêu dùng chung của quốc gia này. Hay khu vực Liên minh châu Âu có chỉ thị của Hội đồng châu Âu về bảo vệ người tiêu dùng trong các hợp đồng tín dụng. Nhiều quốc gia khác cũng có luật riêng về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính tín dụng. Đây là kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam cần phải học tập. Năm 2010, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của người tiêu dùng thì Việt Nam cần xây dựng thêm những quy định pháp lý khác để áp dụng có hiệu quả hơn trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên, dù ở lĩnh vực nào thì tín dụng tiêu dùng chỉ được coi là có hiệu quả khi mà có cơ chế giải quyết khiếu nại hợp lý, hiệu quả để có thể đảm bảo được quyền lợi, thu hồi lại những thiệt hại của người tiêu dùng. Đây là bước thứ hai mà chắc chắn Việt Nam trong thời gian tới cần phải tập trung xây dựng cơ chế, cơ quan giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng sao cho có hiệu quả nhất. Bước thứ ba, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Vì cơ chế giải quyết có hiệu quả, có rộng khắp đến đâu thì người tiêu dùng vẫn có thể bị xâm hại quyền lợi nếu như họ không biết được lợi ích chính đáng của mình.

- Ở Việt Nam, lãi suất trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng chiếm từ 22-60%. So với quốc tế thì mức lãi suất này có cao quá không thưa bà?

Bà Phạm Quế Anh: Hiện ở các quốc gia trên thế giới, việc xử lý vấn đề này theo hai hướng, thứ nhất là họ cho phép thị trường tự do vận hành và không can thiệp vào thị trường. Ở các nước này, họ cho rằng, khi các công ty cạnh tranh trên thị trường thì họ phải đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất. Khi đó, người tiêu dùng mới chọn họ. Nhưng cũng có trường phái khác cho rằng, không phải người tiêu dùng lúc nào cũng đầy đủ thông tin về mức lãi suất có trên thị trường cũng như các quy định pháp luật, dẫn đến họ có thể bị lợi dụng, bóc lột ở các công ty tài chính. Có nhiều quốc gia cho phép áp dụng cả hai. Tức là cho phép bên vay và cho vay tự do thỏa thuận lãi suất để bảo đảm thị trường vận hành tự do. Tuy nhiên, họ cũng áp trần lãi suất, có một số quốc gia có thể áp mức lãi suất 48-50% để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng.

- Việt Nam đã có quy định về vấn đề này nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn đang bị chịu mức lãi suất cao bất hợp lý. Theo bà nguyên nhân này do đâu?

Bà Phạm Quế Anh: Đúng là Việt Nam đã có quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này nhưng vẫn xảy ra tình trạng người tiêu dùng vẫn chịu mức lãi suất cao bất hợp lý. Điều đó cho thấy, việc có quy định là chưa đủ, mà cần chú ý đến việc phải áp dụng, thực thi các quy định đó như thế nào mới là yếu tố quan trọng. Có thể nghiên cứu sao cho mức trần lãi suất hợp lý hơn với thị trường. Nhưng hiện tại, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm thực thi nghiêm các quy định mà pháp luật đã quy định.

- Có ý kiến cho rằng, không nên áp trần lãi suất mà để cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tự thỏa thuận. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Quế Anh: Các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng và các ngân hàng họ luôn luôn cho rằng nên bỏ trần lãi suất, vì họ cho rằng thị trường vận hành tự do dẫn đến việc người tiêu dùng (bên vay) và bên cho vay sẽ tự thỏa thuận. Trên cơ sở đó, người cho vay sẽ lựa chọn để có mức lãi suất nào đó hợp lý nhất với mình và thấp nhất với thị trường.

Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất không nhằm vào áp chế các công ty tài chính mà thực ra nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bởi không phải trường hợp nào, người đi vay cũng nhận thức được hết mức lãi suất hiện có trên thị trường hoặc quyền lợi của họ được đến đâu. Do vậy, người tiêu dùng không đủ kiến thức để lựa chọn mức thỏa thuận lãi suất tốt nhất cho mình, chưa kể ngay cả khi họ có kiến thức thì họ cũng có thể ở thế yếu hơn. Vì vậy, theo tôi, việc áp trần lãi suất là cần thiết, tuy nhiên việc áp dụng thế nào cho hợp lý để bảo đảm quyền lợi của cả bên vay và bên cho vay là vấn đề cần phải tính toán kỹ.  

- Xin cảm ơn bà!

Hà An