Chiến tranh không mang gương mặt người

Lê Hồng Lâm 10/07/2016 08:13

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” - Kiệt tác của Svetlana Alexievich - nữ nhà văn, nhà báo Belarus mới đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015, từng được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và in ở Việt Nam năm 1987, không thấy ai nhắc gì nhiều. Bỗng rộ lên trong giới đọc ở ta, trong một tháng đổ lại đây, khi được tái bản với nhiều trang viết được phục hồi từ lưỡi kéo kiểm duyệt...

“Chuyện xưa chưa kết được”!

Ở Việt Nam, suốt một thời gian dài sau chiến tranh người ta vẫn nói chuyện chiến tranh. Đến hồi thập niên 90, nghĩa là sau hơn 20 năm, âm hưởng chiến tranh và hậu chiến vẫn gần như là chủ đạo trong phim ảnh văn chương. Rồi sang những năm 2000, người người lao vào làm giàu, mua nhà mua xe hơi, đi du lịch nước ngoài… chuyện chiến tranh trở thành một thứ “đồ cổ”, một thứ đã “qua thời”, chỉ có các ông bà già may ra còn nhớ. Đến nhà văn Bảo Ninh - người từng làm nên một “Nỗi buồn chiến tranh” lừng lẫy hồi đầu thập niên 90 cũng đã ra một tập truyện ngắn lấy nhan đề: “Chuyện xưa kết đi được chưa?”.

Ừ, kết đi được rồi! Phim ảnh văn chương chiến tranh giờ mấy ai xem, đọc… Rồi tự dưng khoảng một tháng đổ lại đây, thấy dân tình (tất nhiên trong giới đọc thôi) rộ lên cuốn “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich, nữ nhà văn, nhà báo Belarus mới đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015. Cuốn này từng được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và in ở Việt Nam năm 1987, không thấy ai nhắc gì nhiều. Văn chương nghệ thuật nước nhà hồi đó có lẽ vẫn trong giai đoạn anh hùng ca, mấy ai quan tâm những câu chuyện hy sinh đơn lẻ hay những tiếng khóc thương của mấy người phụ nữ trong chiến tranh.

Bản mới in của Tao Đàn có bổ sung những đoạn bị kiểm duyệt được tác giả bổ sung gần đây, và có lẽ ở thời điểm người ta đã đi qua chủ nghĩa anh hùng ca và ít nhiều “phản tỉnh”, đọc cuốn sách này thấy ý nghĩa hơn hẳn! Hoặc giả, tài nghệ sắp xếp bố cục và những câu chuyện kể của Alexievich khiến người đọc hút vào những câu chuyện kể của những người đàn bà từng đi qua chiến tranh mà không rời mắt ra được.

“Chiến tranh không có một khuôn mặt… trẻ con”

Dòng phim chiến tranh ở Việt Nam, không thể không kể đến chùm phim chiến tranh nổi bật của cố đạo diễn Hồng Sến thời cuối những năm 70 sang đầu những năm 80. Xem lại ở thời điểm này, thấy ít nhiều cũ kỹ và gần như một màu, chỉ duy có “Cánh đồng hoang” nổi bật hơn hẳn và xứng đáng là một trong những kiệt tác phim chiến tranh Việt Nam. “Cánh đồng hoang” có chi tiết kinh điển được nói nhiều và giúp bộ phim đoạt giải Huy chương Vàng cho phim hay nhất tại LHP Moscow năm 1981: Hai vợ chồng du kích Ba Đô (diễn viên Lâm Tới) và Sáu Xoa (Thúy An) sống trong một căn nhà tạm giữa Đồng Tháp Mười. Dưới là mêng mông nước, trên trời là trực thăng Mỹ quần đảo ngày đêm. Trong một lần bị máy bay Mỹ bố ráp bay là là mặt nước, sợ tiếng trẻ con khóc bị giặc phát hiện, Ba Đô cho con vào một túi ni lông buộc miệng bao và dìm xuống nước, đợi máy bay giặc bay qua lại trồi lên. Đứa bé thiếu không khí khóc thấy thương, nhưng máy bay Mỹ quay lại, bố nó lại cho vào bao dìm xuống tiếp...

Trong cuốn sách của Svetlana Alexievich, một câu chuyện gần như tương tự nhưng ám ảnh kinh khủng hơn. Một nữ điệp báo viên mới sinh con. Đứa bé thiếu sữa khóc ngằn ngặt. Nhóm đồng đội đi cùng cô có đến 30 người, trong khi bọn lính SS ở gần đó, cùng chó săn thính mùi. Chẳng ai dám nói gì. Người mẹ như hiểu được tình thế của mình, lẳng lặng bước xuống suối và dìm con rất lâu dưới đó, cho đến khi nó không còn khóc được nữa. Người phụ nữ kể lại câu chuyện này với nhà văn, nói rằng từ đó không ai dám ngước mặt lên nữa, về phía người mẹ và về phía người nào trong số họ.

Một đứa bé khác có cả bố và mẹ đều ra trận. Nó ở với bà nội. Rồi bà nội nó chết. Nó phải tự đào mộ chôn bà nội, rồi đêm đêm ra cầu nguyện bà nội cho nó vào trong mộ, vì ở ngoài nó đói, nó sợ hãi và cô đơn. Đến khi mẹ nó về, nó không thể nhận ra.

Một người mẹ khác đang cho con bú, bọn lính Đức đi qua làng, tên chỉ huy giật đứa bé ra khỏi vòng tay của người mẹ và đập đầu đứa bé vào cọc sắt của nhà máy nước, óc của đứa bé chảy ra như sữa…

 “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”

Trong bản in lại có bổ sung gần đây, nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich bổ sung rất nhiều chi tiết từng bị kiểm duyệt và bản thân bà cũng từng tự kiểm duyệt. Đó là những chi tiết mà người kiểm duyệt nói với bà là, “cô hạ thấp người phụ nữ với cái chủ nghĩa tự nhiên sơ đẳng của cô. Cô tước vòng hào quang của họ. Cô biến họ thành một phụ nữ tầm thường. Một con cái. Mà ở ta, đấy là những nữ thánh”. Bà bị người kiểm duyệt chê trách rằng đó là những câu chuyện sinh lý học tầm thường, và do “đọc Remarque quá nhiều”.

Chi tiết sinh học tầm thường đó là gì? Những cô gái trẻ ra chiến trường, họ đi hành quân trong cái nắng mùa hè, trong đợt hành kinh mà không được cung cấp bất cứ thứ gì. Máu họ chảy dọc theo đùi xuống chân. Họ sợ hãi. Họ ngượng ngùng trước mặt đàn ông. Và khi thấy một dòng suối, họ lao xuống nước và rơi vào ổ phục kích của Đức. Một số người trong bọn họ ngã xuống trên dòng suối.

Gì nữa? Một nữ y tá cứu thương bên một người lính đang hấp hối. Cô hỏi anh cần gì. Anh ta nói đã lâu lắm rồi không được nhìn thấy ngực vợ, liệu cô có giúp anh cởi nút áo cho anh được nhìn thấy vú cô lần cuối. Cô ngượng ngùng quay đi. Lúc quay lại thì anh đã chết với nụ cười mãn nguyện trên môi.

Còn hàng trăm câu chuyện khủng khiếp khác về gương mặt bị bầm nát của những người phụ nữ trong cuộc chiến tranh. Hơn 20 triệu người Nga Xô Viết chết trong chiến tranh thế giới thứ 2 có bao nhiêu gương mặt phụ nữ? Khó ai biết chính xác, nhưng đọc cuốn sách này ta biết hàng nghìn thân phận, hàng nghìn gương mặt người phụ nữ không còn nguyên dạng cả bên trong lẫn bên ngoài. Họ là ai? Là phụ nữ từ nông dân đến trí thức, từ nông thôn ra thành thị. Họ là binh nhất, binh nhì, du kích, y tá, cứu thương, bác sĩ phẫu thuật... Họ là cơ trưởng, trung sĩ lái máy đầu kéo, chiến sĩ súng máy, xạ thủ bắn tỉa, chiến xa hạng nặng... Họ là những cô gái 16, 17 đã ra chiến trường. Mẹ họ nói họ chưa đủ tuổi để kết hôn nhưng đủ tuổi để ra trận.

Họ nhớ nhà quay quắt giữa chiến trường. Một cô chiến sĩ đạt thành tích tốt được thưởng một chuyến về thăm nhà. Lúc cô quay lại đơn vị, hàng chục cô gái đứng xếp hàng dài để được ngửi mùi nhà từ cô gái may mắn.

Họ là những cô gái trẻ chưa một lần yêu không may rơi vào tay bọn Đức. Thường các cô có một viên đạn để tự kết liễu nếu không may rơi vào tay giặc, nhưng cô không kịp trở tay. Sáng hôm sau đồng đội thấy cô bị cắt vú, moi mắt, cắt bộ phận sinh dục và đóng cọc xuyên qua người. Trên gương mặt dù thảng thốt và đau đớn vẫn không giấu được vẻ đẹp của tuổi 19.

Những cái chết tàn khốc và đau thương như thế đầy rẫy trong cuộc chiến tranh và trong cuốn sách này, như lời kể của một nữ cựu binh, “trong đời mình, tôi thấy những thân gỗ bị chặt ít hơn những xác người”. Cũng người phụ nữ đó đã cứu một tên lính Đức bởi đơn giản bà không thể bỏ một người sắp chết. “Người ta không thể có một trái tim cho căm thù và một trái tim khác cho tình yêu. Con người chỉ có một trái tim”.

Những câu chuyện kể của hàng trăm người phụ nữ đi qua chiến tranh, khốc liệt, dữ dội mà tỉnh rụi, vì dường như họ không còn nước mắt để khóc. Họ kể lại những câu chuyện chiến tranh với con cái mình và coi đó là những câu chuyện cổ tích kinh dị. Họ không dám nhìn lên bầu trời bởi thấy những cánh đồng bị cày nát trên đó. “Chỉ có những con quạ châu Âu bình an bay qua. Chim chóc đã chóng quên chiến tranh”…

Rất nhiều người phụ nữ may mắn sống sót sau cuộc chiến phải học cách quên, phải “tập học lại lòng nhân ái và trắc ẩn” để sống tiếp.

Còn với bản thân người viết cuốn sách này, một tập hợp những ghi chép tàn khốc với nguồn tư liệu khổng lồ mà mỗi câu chuyện trong số đó xứng đáng viết thành một cuốn tiểu thuyết thì nói trong lời tựa: “Tôi viết về cuộc sống chứ không viết về chiến tranh. Tôi không viết về một lịch sử chiến tranh mà là một lịch sử của các xúc cảm”… Và: “Phải viết về chiến tranh sao cho người đọc buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi, tâm thần”, “vì con người mạnh hơn chiến tranh”…

Vì chiến tranh không mang gương mặt con người!

Lê Hồng Lâm