Tuần “gây bão” của thị trường vàng
Đã lâu, thị trường vàng trong nước mới chứng kiến cảnh người dân xếp hàng mua bán. Chỉ vì thiếu thông tin và tâm lý đám đông, có người hôm trước xếp hàng đi mua, hôm sau lại xếp hàng đi bán.
Đầu tuần tăng, cuối tuần giảm
Tuần qua, các phương tiện truyền thông dành thời lượng lớn để thông tin về giá vàng với nhiều tính từ, động từ khá mạnh. Thậm chí, nhiều tờ báo điện tử không kịp cập nhật giá vàng khi ở một số thời điểm giá vàng biến động, sụt giảm khá nhanh (như ngày 7.7 giá vàng giảm liên tục, từ phiên mở cửa đến cuối giờ chiều, vàng giảm tới hơn 2 triệu đồng/lượng).
Nếu ngày 4.7 - ngày đầu tuần, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào 36,03 triệu đồng/lượng, bán ra 36,61 triệu đồng/lượng thì đến giữa tuần, giá vàng tăng xấp xỉ 40 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới trong những ngày này chỉ tăng nhẹ, nếu quy đổi cũng chỉ ở mức 36,6 triệu đồng/lượng. Đến cuối tuần, giá vàng chỉ còn 36,55 triệu đồng/lượng.
![]() Nguồn: ITN |
Đánh giá về hiện tượng này, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, nếu nhìn vào biểu đồ diễn biến giá vàng trong 2 tuần qua, có thể thấy giá vàng trong nước đang “không liên quan” tới giá vàng thế giới. Biến động thị trường chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Do đó, người dân cần thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có, gây thiệt hại cho bản thân. Ông Cảnh cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến thị trường vàng, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.
Rất nguy hiểm nếu chạy theo đám đông
Mặc dù “ăn theo” sự kiện Brexit nhưng thực tế tuần qua giá vàng trong nước biến động mạnh hơn giá vàng thế giới. Đã khá lâu, thị trường vàng mới xuất hiện cảnh người dân xếp hàng tại các cửa hàng kinh doanh vàng (trừ ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng). Thậm chí có người hôm trước xếp hàng mua vào, hôm sau đã phải bán bằng được để cắt lỗ, đại diện một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) kể lại. Đại diện cửa hàng này cũng cho biết, trong tuần qua, khá nhiều người đã rút tiền gửi ở ngân hàng để mua vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh hơn.
Diễn biến này cho thấy, hiện tượng người dân đầu tư theo tâm lý đám đông vẫn xuất hiện và điều này rất nguy hiểm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu biết phân tích thông tin, người dân có thể thấy thị trường vàng “sốt” trở lại từ những lo ngại sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến kinh tế nước này suy thoái, như đã từng xảy ra suy thoái toàn cầu năm 2008. Nhưng bản thân người dân Anh cũng không tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn, giao dịch vàng miếng tại Anh diễn ra bình thường. Ngoài ra, quan sát tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng cho thấy, họ khá thận trọng trong việc đưa ra giá mua và bán để phòng rủi ro.
Nhìn nhận biến động giá vàng tuần qua và tâm lý mua bán lấy được của người dân, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngày nay người dân có rất nhiều cách tiếp cận thông tin nhưng quan trọng là phải phân tích được những thông tin đó. Ông cũng cho rằng, khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng tiền ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn vững chắc, người dân sẽ quên dần vai trò của vàng với tư cách là nguồn lực quan trọng có thể khuynh đảo thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại cũng như trong trung, dài hạn không có dấu hiệu gì cho thấy đang gặp khó khăn. Thực tế, nước ta vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất. Chính phủ nhiệm kỳ mới năng động, hành động với ba phương châm chính: Kiến tạo, đổi mới và liêm chính và trong mấy tháng gần đây, Chính phủ đã quyết liệt điều hành theo hướng này. “Tôi tin tưởng rằng kinh tế của Việt Nam trong ngắn, trung, dài hạn có thể là hoàn toàn ổn định, không còn dấu hiệu nào chứng tỏ có những khó khăn lớn” - TS. Lê Xuân Nghĩa nói.