Nhớ tiếng thoi đưa!

Đăng Quang 09/07/2016 08:08

Cuộc sống trong dòng chảy đổi mới đến chóng mặt của thời công nghệ số, thời @ có cái gì mãi vĩnh cửu cho được. Làng quê của mỗi con người với cây đa, bến nước, sân đình, giờ nhìn lại cũng khác xưa nhiều, nếu không muốn nói chỉ đọng lại trong ký ức của những người ở tuổi xế chiều!

Thế nên, câu chuyện phá bỏ Nhà máy Dệt Nam Định để xây dựng khu đô thị trên chính nhà máy một thời rộn tiếng thoi đưa đang làm cho những người con quê hương Nam Định, sinh ra từ “cái nôi” của tiếng thoi rộn rã đêm ngày - nơi đất thành phố Dệt đã hơn 110 năm tuổi cũng là dễ hiểu!

Nhà máy Dệt Nam Định Nguồn: tintucnamdinh.vn
Nhà máy Dệt Nam Định Nguồn: tintucnamdinh.vn

Một thành phố mà người ta không gọi tên Nam Định mà thiêng liêng gọi là thành phố Dệt, đủ thấy máu thịt, tâm tình của người Nam Định thế nào với nhà máy thân yêu của mình! Nhà máy là nơi không mấy gia đình của vùng quê Nam Định không góp mặt, góp tên. Không thiếu những gia đình bao thế hệ đều là công nhân dệt. Có gia đình góp mặt ở đủ các phân xưởng của nhà máy từng được mệnh danh là người “khổng lồ” này. Mẹ làm xưởng sợi I, con dâu xưởng sợi II, cha là công nhân cơ khí dệt, chị gái em gái, anh trai là công nhân  xưởng nhuộm… Thôi thì đủ hết. Nói máu thịt gắn bó, nói đến cái tên “thành phố Dệt”, vì sao nó như thẳm sâu, đến khắc khoải vào tâm can người Nam Định cũng là vì thế.

Chả cứ nhà báo Trần Đăng Tuấn không kìm được tâm tư lòng mình khi nhà máy bị đập bỏ, mà bao người con Nam Định xa quê, đang sinh sống ở ngay quê cũng thổn thức, cũng xao xác nao lòng. Cả những người chỉ ít năm sống làm việc ở thành phố Dệt rộn tiếng thoi đưa, giờ nghe tin này cũng khắc khoải đến cồn cào se sắt?

Biết làm sao, thế gian biến cải. Biết làm sao khi công cuộc đổi mới đất nước như cơn sóng trào dâng. Biết làm sao, khi một nhà máy đã tồn tại cả 110 năm từ thời thuộc Pháp, thì thiết bị, công nghệ lỗi thời đâu còn hợp thời nữa. Biết làm sao khi lớp trẻ Nam Định hôm nay họ trẻ trung, thông minh hơn hẳn lớp cha chú như nhà báo Trần Đăng Tuấn, họ đòi hỏi cuộc sống phải khác xa xưa. Cái thời cán bộ nhà nước một năm 5 mét vải cung cấp bình nhau ai may quần, ai may áo đã quá xa rồi. Giờ là thỏa sức ăn vận thời trang đủ màu đủ kiểu, vải vóc tây tầu ê hề, thì mắt nhìn cái cơ ngơi nhà máy dệt dù thân yêu mấy, cũng buộc phải suy tư khác chút đi. Còn đâu cái thời “một yêu anh có may ô”, cái thời mà cỡ lãnh đạo thường vụ tỉnh ủy nơi có nhà máy dệt to đùng vẫn cứ giản dị bộ áo quần vá miếng nọ sang miếng kia? Đó là chuyện xa xưa rất thật, giờ lớp trẻ có cho như chuyện huyền thoại, thì vẫn cứ phải kể ra để thấy mét vải của 45 - 50 năm trước quý hơn cả “áo bào” vua chúa là thế! Khắc khoải chỉ mong giữ lại một chút gì là hình bóng nhà máy Dệt, để cháu con mai này mãi nhớ về đất Dệt là tư duy chất chứa nhân văn của những ai luôn đặt cái nghĩa tình con người với đời. Đó là những người mong tạ ơn với trời đất sinh ra mình, cho mình được sống với năm tháng của những tiếng thoi đưa ngay trên mảnh đất Dệt thành Nam!

Tiếng thoi ngày xa xưa nghe như tiếng mẹ ta ru hời rộn rã cả thành phố Dệt suốt đêm ngày. Thợ Dệt thành Nam ngày xưa ấy đi làm cả ba ca, 9 - 10 giờ tối vào nhận ca, sáng hôm sau là giao ca lại cho kíp thợ sau. Ca ba là thức trọn đêm, là “đi tua” cùng tiếng thoi đưa, là ca làm việc đa phần dành cho những cô thợ trẻ đang “tuổi ăn tuổi ngủ” mà không được ngủ! Cái “ca ba” đẹp như mộng mơ chăng, mà có cô gái trẻ vút lên những câu thơ cháy bỏng:

 Em đi làm ca ba/ Sao buông đầy đường phố/ Em đi giữa lòng đường hát khẽ/ Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài/ Mười tám đôi mươi/ Tuổi như em khỏe ăn, khỏe ngủ/ Em tự mỉm cười/ Thầm gọi ca ba là ca bình minh!

Tôi còn nhớ rõ tên tác giả của bài thơ này là Lý Phương Liên, chả biết sau này cô nhà thơ ấy có đi tiếp theo nghiệp văn chương không, nhưng bài thơ viết về cái ca ba của người thợ Dệt đến như trải lòng ấy thì chả thể quên?

Chỉ mong lãnh đạo tỉnh Nam Định hôm nay dù đập bỏ nhà máy của ký ức bao thế hệ người Nam Định hãy giữ lại một chút gì đó để cái tên thành phố Dệt không bị theo gió thời gian cuốn đi. Ví như một nhà truyền thống thợ Dệt, ví như làm một công viên nho nhỏ, ví như mở một con đường xinh xinh có bóng hoa gạo đỏ để nhớ mãi câu hát của nhạc sỹ Trần Chung khi vút lên nhạc phẩm “Mùa Xuân trên thành phố Dệt” ai người đất Dệt chả có thể quên: Nắng lên, nắng lên đi/ Cho hoa gạo quê tôi rực rỡ/ Cho khắp vườn Cửa Đông, cho hoa chào đón Xuân về/ Trên đất quê tôi đã từng qua những ngày khói lửa/ Mà chiến công còn nghe vang trong ngàn câu hát mến thương/ Ôi nghe sao mà mến thương, đất Dệt quê ta ơi!

Cả nhà máy Dệt khổng lồ đang đập bỏ, tương lai sẽ một khu đô thị hiện đại sừng sững giữa nền đất của những nhà máy sợi, máy tơ. Hạnh phúc ngời trên môi những cặp uyên ương dắt tay nhau về sống bên những căn hộ sang trọng tiện nghi nơi khu đô thị mới này ai mà không vui, không mừng cho được?

Nhưng nghĩ đến ngày đó mà vui, mà mừng đến rơi nước mắt! Càng vui thì nỗi nhớ càng như “găm” vào ký ức hình ảnh của bao ông bố bà mẹ sau ca đêm, nhà máy bồi dưỡng chiếc bánh bao, chả ai ăn, dành về cho con chờ cửa! Cảm ơn nhà báo tài hoa Trần Đăng Tuấn đã đưa những ai là người con của đất Dệt, những ai không sinh ra ở đất thành Nam, nhưng từng có may mắn được sống ở đất này  những năm tháng nhọc nhằn đều như ùa về ký ức một thời khó nghèo mà đằm thắm, đầy ắp tình đời, tình người đất Dệt!

Ai đó đã phản biện lại lòng yêu quê hương, yêu tiếng thoi đưa của đất Dệt rằng: Sao yêu quê Dệt thế mà không về sống ở quê đi? Thôi thì tư duy cách nghĩ con người cũng đủ chiều xuôi ngược, xin hãy cứ lắng nghe đến tận ruột gan của những lời như trách, như hờn giận ấy. Nhưng lẽ đời là mưu sinh, con người như “cánh chim bằng” bay khắp chốn, khắp vùng. Nhưng dù đi xa tận chân trời góc biển nào, đâu phải không được quyền nhớ về nơi quê “chôn rau cắt rốn”? Và, cũng đâu phải ai ở lại quê cũng là đau đáu với tình quê trọn vẹn? Thôi thì đời đang đổi mới, thôi thì hãy quên đi bỏ qua mọi trách cứ giận hờn, ta nắm tay nhau cùng ca vang bài ca: Nắng lên, nắng lên đi/ Em đi về hoa tô màu áo/ Xuân đến từ Đò Quan, nhớ ngày đón Bác Hồ/ Trong tiếng thoi đưa vẫn hằng nghe những lời Bác dạy…/ Tự hào tay ta dệt lụa, dệt tơ, dệt hoa, dệt gấm…

Nhà máy Dệt cho dù đập bỏ, nhưng người thành phố Dệt hãy tự dệt trong lòng mình những nhớ nhung ký ức của những con người trí tuệ trên một vùng đất học thông minh còn ẩn chứa bao trầm tích mà lịch sử nơi đền Trần đang ngời lên như kho báu đã “lộ thiên” kia!

Đăng Quang