Kích thích văn hóa sáng tạo

TS. Phan Tất Thứ 08/07/2016 08:06

Qua tìm hiểu, tôi thấy người Việt có đặc điểm là sống thuận tự nhiên, do đó người Việt sống tĩnh hơn. Nhưng khi bị buộc phải vận động, chịu sức ép, bị dồn đến đường cùng thì người Việt Nam cũng sẽ có những sáng tạo bất ngờ. Vậy làm thế nào để phát huy được ưu thế sẵn có của người Việt, hạn chế, khắc phục nhược điểm cố hữu?

Để giải quyết bài toán về sáng tạo, chúng ta có 2 cách tiếp cận: Tiếp cận cá nhân và tiếp cận tổ chức. Sáng tạo cá nhân phải bắt đầu bằng tư tưởng. Muốn cá nhân tạo ra được cái gì mang tính sáng tạo thì tư tưởng phải được tự do. Thế nhưng tự do về tư tưởng là chấp nhận nhiều tư tưởng khác nhau và tự do trong một khuôn khổ. Rõ ràng, phát triển tư tưởng, sáng tạo cá nhân nếu không nằm trong sự phát triển của xã hội thì cá nhân đó sẽ trở thành lập dị, cá biệt. Do đó, để giải quyết và định hướng các cá nhân sáng tạo, cần nhóm họ vào một đội, tuân theo quy luật tự nhiên và tạo giá trị. Ở phương diện cá nhân thì giá trị ở đây chính là sự tự do để tạo ra những sáng tác, sản phẩm mới, nhưng ở tổ chức, các giá trị tạo ra phải có tính xã hội, tức là được các nhóm khác ghi nhận. Tuy nhiên, để thay đổi một xã hội tĩnh cố hữu không thể một sớm một chiều.

Ảnh minh họa Nguồn: ITN
Ảnh minh họa Nguồn: ITN

 “Để xây dựng con người nhân văn không phải áp dụng khuôn mẫu, mà là thấu hiểu nguồn gốc tổ tiên của mình, tạo môi trường thuận lợi nhất để mầm mống ấy, gene ấy phát huy được tính trội”.

            TS. Phan Tất Thứ

Muốn xây dựng văn hóa sáng tạo, rõ ràng cần có những nhóm tinh hoa. Thứ nhất, nhóm tinh hoa dẫn dắt về tư tưởng, nhưng không nhất thiết dẫn dắt về quyền lực. Có giai đoạn chúng ta bị nhầm lẫn là người giỏi về chuyên môn thì đưa lên làm lãnh đạo. Tôi rất phản đối chuyện mời GS. Ngô Bảo Châu trở thành Viện trưởng Viện Viện Toán học. Rõ ràng trở thành một nhà lãnh đạo cần rất nhiều yếu tố, khả năng lãnh đạo, khả năng tư duy tài chính… người ta không tập trung vào chuyên môn được nữa. Do đó, xã hội cần chấp nhận việc tồn tại những người rất giỏi như thế và để họ trở thành nhóm tinh hoa tri thức thuần túy.

Thứ hai có thể coi là giới tinh hoa về nghệ thuật. Có những người có khả năng dẫn dắt không phải bằng tư tưởng lớn lao mà bằng khả năng rung động nghệ thuật. Chẳng hạn các nghệ sĩ không đứng trên sân khấu để giải thích một lý thuyết nhưng bằng lời ca tiếng hát, tác phẩm nghệ thuật… họ có khả năng chinh phục con tim và dẫn dắt khả năng cảm thụ nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa.

Thứ ba là giới quản lý, lãnh đạo. Chúng ta có thể chấp nhận những người không giỏi chuyên môn nhưng lại rất giỏi quản lý. Chẳng hạn, một người có thể là giảng viên giỏi nhưng chưa chắc đã có thể tự bán được chất xám của mình. Nhưng nếu gặp một người có khả năng lãnh đạo, họ đầu tư xây trường, mở lớp, tạo điều kiện để chuyên gia này có cơ hội truyền tải kiến thức và có thu nhập thì chính họ cũng đã tạo ra giá trị cho xã hội.

Thứ tư là nhóm doanh nghiệp sáng tạo. Đó là những người vừa tạo ra giá trị cho xã hội vừa có tác động đến sự sáng tạo của các ngành khác. Như ở Hàn Quốc, họ có hẳn nền công nghiệp sáng tạo, trong đó có 15 lĩnh vực được cho là có vai trò nền tảng. Ở nước ta, do chưa có nền công nghiệp sáng tạo nên các ngành nghề thủ công vẫn loay hoay tồn tại và chấp nhận mai một. Đơn cử như doanh nghiệp giấy dó, họ chỉ tư duy về việc làm ra giấy dó phục vụ in tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình, rồi khi các ngành kia sụt giảm thì giấy dó cũng lao đao. Thế nên nếu xây dựng theo hướng công nghiệp, họ có thể dùng hình ảnh của cây dó làm giá trị (làm túi, áo có in hình cây dó…), câu chuyện về việc làm giấy dó sẽ trở thành nội dung của du lịch làng nghề… Từ câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo ở đây mà văn hóa dân tộc được duy trì và sống cùng nhịp đập thời đại.

Tóm lại, phải xây dựng môi trường kích thích văn hóa sáng tạo, tức là xây dựng hệ sinh thái sáng tạo. Cụ thể là kích thích cá nhân sáng tạo, có sự tự do về tư tưởng để họ chắt lọc, bộc lộ ý kiến. Tuy nhiên, sự bộc lộ này không được ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, nhóm khác và các nhóm này cần tạo môi trường cùng sáng tạo, không được cát cứ, mà tìm cách tương tác với nhau. Cuối cùng, các tổ chức phải cùng liên kết trong một xã hội sáng tạo, có như thế bầu không khí của sự hợp tác mới duy trì được. Nhờ vậy, văn hóa sáng tạo được đề cao với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tạo môi trường sáng tạo, không gian sáng tạo giúp các tư tưởng mới lên ngôi, các giá trị vốn có của dân tộc tạo ra giá trị kinh tế lớn, từ đó vừa tạo ra nét riêng vừa rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước lớn.

TS. Phan Tất Thứ