Những kiến thức thiết thực

Chuyên trang được thực hiện dựa trên tài liệu của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội 18/06/2016 08:49

Các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho nghị sĩ luôn mang tính đặc thù bởi các “lớp học” này không chỉ dành cho “người lớn”, mà người lớn ở đây còn là các chính khách, các nhà quản lý. Bởi vậy tổ chức lớp học như thế nào cho phù hợp và giảng dạy những gì để thực sự thiết thực với nghị sĩ mới hoặc nghị sĩ lâu năm là điều các Nghị viện đặc biệt quan tâm.

Người học là trung tâm

Tập huấn, bồi dưỡng cho các nghị sĩ phải tuân thủ nguyên lý giáo dục cho người lớn và là chính khách đi học. Theo đó, giai đoạn đầu của chương trình tập huấn có thể tập trung tiến hành những cuộc hỏi chuyện dạng phỏng vấn và tổ chức các nhóm nhỏ bao gồm cả người học và người tập huấn để định hình những nhu cầu thiết yếu, trung tâm. Điều này không chỉ mang lại cho người học cơ hội lên tiếng và cảm giác người học là trung tâm, mà còn giúp những người tập huấn nhận ra những nhu cầu chính của người học và do đó mang lại nhiều cơ hội thành công hơn. Cách thức này có thể dẫn đến những cách thức mang tính thực hành cao như mô phỏng, thử vai, học dựa trên trường hợp cụ thể, thảo luận nhóm, tranh luận giữa các nhóm.

Không gian học tập phù hợp

Sau khi đã thiết kế khung chương trình, cần xác định không gian thích hợp để có thể dễ dàng đưa những gì đã được học vào áp dụng trong những tình huống có thật; tạo ra khung cảnh mà người học có thể liên hệ những kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được vào tình huống thật. Ví dụ, ở Thượng viện Australia, các đại biểu mới trong thời gian tập huấn được thảo luận, tranh cãi ngay tại hội trường nghị viện. Cách làm này tạo ra khung cảnh, bối cảnh và không khí của một diễn đàn công lớn, nơi mà họ có thể sử dụng các kỹ năng của mình. Các công trình nghiên cứu cho thấy, một môi trường học thích hợp sẽ thúc đẩy sự chuyển tải kiến thức, kỹ năng.

Phương pháp thực hành cũng là cách tập huấn và phát triển chuyên môn hiệu quả. Nó bao gồm cả các chương trình làm quen gồm những tiết học định hướng và hòa nhập cơ bản nhằm giúp các đại biểu làm quen với những quy chuẩn, giá trị và trông đợi về một người đại biểu. Sau đó, với sự trợ giúp của các nghị sĩ kỳ cựu, họ đã có thể tập trung vào những yêu cầu tập huấn liên quan đến công việc hoặc xuất phát từ công việc.

Các chương trình này có lẽ có khả năng thu hút sự tham gia nhiều hơn nếu chúng linh hoạt để cho những người tham gia được chọn nội dung học theo nhu cầu. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác cách thông thường, khi các nội dung được chuyển tải theo những hoạt động đã lên khung, ví dụ như thông qua các bài giảng hoặc các buổi thảo luận.
Cuối cùng, chương trình có cách hiểu đa dạng về phong cách học hỏi và đào tạo người lớn thông qua việc sử dụng nhiều cách thức dạy và học khác nhau và chú ý đến những trải nghiệm trước đây của những người tham gia.

Một kinh nghiệm thú vị ở nghị viện Phần Lan: họ thiết kế các trò chơi lập pháp, qua đó các nghị sỹ vừa thực hành vừa học được những quy tắc căn bản nhất trong hoạt động nghị trường.

Bồi dưỡng kiến thức - trau dồi kỹ năng

Nhiều chuyên gia về bồi dưỡng nghị sĩ, cũng như các nghị sĩ đã nêu lên sự cần thiết phải bồi dưỡng cả về kiến thức và kỹ năng. Chương trình châu Phi của Trung tâm Nghị viện Canada đã tiến hành ở 18 nước châu Phi các chương trình tập huấn trên 4 lĩnh vực chính - giảm nghèo, chống tham nhũng, bình đẳng giới, HIV/AIDS. Ở Ghana, họ đã tập huấn chuyên đề cho 6 ủy ban của nghị viện về giám sát tài chính; một chương trình được thiết kế để thành lập Ban ngân sách của Nghị viện; một chương trình đặc biệt về giám sát tài chính cho Ủy ban các tài khoản công. Còn ở Campuchia, các chủ đề chính và quan trọng trong bồi dưỡng nhằm mục đích mang lại cho các đại biểu sự hiểu biết rõ ràng về “khuyến khích dân chủ và pháp quyền ở Cambodia”; bồi dưỡng về những luật mới có liên quan đến sự phát triển của đất nước, bao gồm Luật Tổ chức hay Luật về quản lý và chính quyền ở tỉnh, thành phố, quận huyện và xã...

Chuyên trang được thực hiện dựa trên tài liệu của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội