Hơn 1000 văn bản pháp luật liên quan đến hộ khẩu - Người tạm trú vẫn bị phân biệt đối xử
(ĐBNDO) – Hệ thống đăng ký hộ khẩu đã có ở Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua. Hệ thống này đã được sử dụng như một công cụ quản lý xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và kiểm soát di cư. Tuy nhiên, thực tế triển khai, hệ thống này đã bộc lộ hạn chế các quyền tiếp cận với dịch vụ công đối với những người không đăng ký thường trú ở nơi họ sinh sống.
1220 văn bản pháp luật liên quan đến hộ khẩu được ban hành trong 10 năm qua
Có thể nói, thập kỷ qua là một khoảng thời gian biến đổi tích cực trong khung pháp lý về hộ khẩu. Có đến 1220 văn bản pháp luật liên quan đến hộ khẩu được ban hành kể từ năm 2006.
![]() Toàn cảnh Hội thảo Báo cáo nghiên cứu Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam. |
Trong một báo cáo Nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Viện Nam do Ngân hàng thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, mặc dù đã có hệ thống các văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về vấn đề này nhưng dường như người tạm trú vẫn bị phân biệt đối xử. Năm 2006, Luật Cư trú đưa ra các thay đổi quan trọng, khẳng định quyền tự do cư trú của công dân như quy định của Hiến pháp, thay 4 hình thức đăng ký hộ khẩu khác nhau bằng hai hình thức thường trú và tạm trú. Theo đó, giảm đáng kể các điều kiện để có hộ khẩu thường trú. Các thủ tục tạm trú cũng được đơn giản hóa ví dụ như không cần giấy phép tạm vắng ở nơi đi. Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 lại quy định chặt hơn về thường trú với các thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm lên 2 năm cư trú liên tục. Luật Thủ đô năm 2012, thắt chặt các điều kiện để thường trú ở Hà Nội ( 3 năm với các quận nội thành). Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 và Đề án 896 xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các luật và khung pháp lý này sẽ thay dần cuốn sổ hộ khẩu bởi phương thức quản lý dựa trên mã số định danh và cơ sở dữ liệu điện tử vào năm 2020.
Đánh giá về tác động của hệ thống hộ khẩu, ông Vũ Hoàng Linh (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, việc tác động của hệ thống này chưa được hiểu một cách đầy đủ do vẫn hạn chế về dữ liệu. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những người di cư không có hộ khẩu không được bao phủ đầy đủ trong các khảo sát của Tổng cục thống kê, đặc biệt trong Điều tra mức sống hộ gia đình.
Không được vào danh sách hộ nghèo vì không có hộ khẩu thường trú
![]() Ông Vũ Hoàng Linh ( Ngân hàng Thế giới) |
Các quy định về pháp luật về hộ khẩu tương đối đầy đủ và bảo đảm bình đẳng của người dân trước các cơ hội nhưng ông Vũ Hoàng Linh chỉ ra thực tế rằng, người tạm trú hiện đang gặp phải các phân biệt đối xử trong việc làm ở khu vực công nhưng không gặp phải trong khu vực tư nhân. Việc tiếp cận việc làm ở khu vực công có xu hướng ngày càng hạn chế theo thời gian. Ông Linh nêu dẫn chứng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đẵng đều có chính sách tuyển dụng hai nấc: yêu cầu bắt buộc hộ khẩu bắt buộc cho các vị trí công chức thông thường nhưng sẽ miễn yêu cầu này với các trường hợp đặc biệt.
Trong khi đó, ở góc độ tiếp cận chăm sóc y tế, ông Linh cho biết, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của người tạm trú thấp hơn so với người thường trú. Nhìn chung, 68% người thường trú và 64% người tạm trú có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, trẻ 6 tuổi tạm trú dài hạn có khả năng có thẻ bảo hiểm y tế thấp hơn 7% so với trẻ tạm trú. Trong khi trẻ từ 6-15 tuổi tạm trú ngắn hạn có khả năng được bảo hiểm y tế thấp hơn là 8%.
An sinh xã hội được coi là một trong những vấn đề mà người tạm trú đang phải đối diện. Về vấn đề này, ông Linh cho rằng, các hộ gia đình tạm trú ít có khả năng được đưa vào trong danh sách hộ nghèo hơn với mức là 2%. Các hộ tạm trú thường bị loại ra khỏi danh sách hộ nghèo. TP Hồ Chí Minh gần đây đã có các nỗ lực để đưa những người tạm trú dài hạn vào trong danh sách nghèo. Nhiều người tạm trú vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận về chính sách an sinh. Ông Linh nêu dẫn chứng, gia đình ông T sống ở phường Tây Thanh Khê, Đà Nẵng, gia đình ông vẫn là hộ tạm trú dù sống trong 10 năm ở thành phố. Ông T là một công nhân và mẹ ông đã 75 tuổi và có bệnh tật. Mặc dù, tổ trưởng dân phố đề nghị phường xét đưa đình ông T vào danh sách hộ nghèo nhưng ông bị từ chối vì lý do không có hộ khẩu thường trú. Không ở trong danh sách hộ nghèo nên gia đình ông không được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí ở Đà Nẵng. Trong khi cứ hai tuần một lần ông T lại phải xin nghỉ phép để đưa mẹ về quê ở Quảng Nam lấy thuốc do mẹ ông có hộ khẩu thường trú ở tỉnh này và có bảo hiểm y tế ở đây.
Để bảo đảm quyền lợi bình đẳng cơ hội giữa người thường trú và tạm trú là điều rất cần thiết bởi chính các chính sách pháp luật và thực thi. Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần có các cải cách hơn nữa để bảo đảm là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.
Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế. Hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, thông qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân (– Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Nguyên Anh). |