Hành hương về Định Hóa

Ghi chép của Đào Cảnh 13/06/2016 19:01

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những dấu ấn lịch sử trong những năm tháng chiến đấu gian khổ trên chiến khu Việt Bắc vẫn không thể nào phai trong tâm trí mỗi người. Chuyến hành trình “Về nguồn” của Báo Đại biểu Nhân dân đưa chúng tôi về với ATK Định Hóa- Thủ đô kháng chiến-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc dưới sự đùm bọc, che chở của người dân. Và cũng tại nơi đây, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia được quyết định. Một trong những quyết sách đó đã làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của dân tộc ta.

Dấu chân Bác đặt chốn này

Sau những cung đường ngoằn ngoèo với trùng trùng núi, điệp điệp rừng, đoàn chúng tôi chạm đỉnh đèo De khi mặt trời sắp lên ngang đỉnh đầu. Những người con của “Thủ đô Hòa Bình” bây giờ lên với “Thủ đô kháng chiến” năm xưa vẫn thường trực những xúc động, bồi hồi. Bước qua 79 bậc từ cổng Tam Quan  lên tới Nhà dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, đoàn chúng tôi cùng nhau dâng những nén hương thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Bác. Trong phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Bác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa cùng lãnh đạo, cán bộ, phóng viên thầm hứa với Bác sẽ không ngừng nỗ lực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đưa đất nước phát triển trường tồn.

Dưới cái nắng gay gắt của tháng 6, đoàn hành hương vẫn hừng hực khí thế (Ảnh: Chí Tuấn)
Dưới cái nắng gay gắt của tháng 6, đoàn hành hương vẫn hừng hực khí thế (Ảnh: Chí Tuấn)

Sau giây phút lắng đọng bên anh linh của Bác, đoàn chúng tôi đến thăm khu di tích Khuôn Tát (xã Phú Đình). Dưới chân núi Hồng, bao quanh là những con suối quanh năm chảy hiền hòa, Khuôn Tát vẹn nguyên vẻ đẹp hùng vĩ, huyền bí trên nền xanh của núi rừng. Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, đoàn chúng tôi không ngần ngại băng qua con suối với những phiến đá hiểm trở, leo bộ trên con đường mòn cheo leo nơi bìa rừng, qua cánh đồng thơm mùi lúa chín để đến với lán Khuôn Tát - nơi ở và làm việc của Bác từ năm 1947-1954. Một căn nhà nhỏ bé, đơn sơ giữa vùng rừng núi rậm rạp càng làm cho mỗi thành viên trong đoàn thấu hiểu và thấm nhuần hơn nữa phong cách sống giản dị của người lãnh tụ vĩ đại. Qua lời kể của hướng dẫn viên, chúng tôi mới biết, căn nhà nhỏ này chính là nơi Bác ký rất nhiều sắc lệnh liên quan đến vận mệnh của đất nước, trong đó có sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam.

Lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Chí Tuấn)
Lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (Ảnh: Chí Tuấn)

Cách Khuôn Tát không xa, dưới chân đèo De, chính là di tích Tỉn Keo – nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Đặc biệt, đây là nơi Bộ Chính trị họp ngày 6.12.1953 ra Quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Dù phải di chuyển gần 1km đường núi, dưới cái nắng gắt để đến với Tỉn Keo - trung tâm của “Thủ đô gió ngàn”, đoàn chúng tôi vẫn hừng hực khí thế, mọi mệt mỏi đã tan chảy trong niềm xúc động, hạnh phúc khi được về nơi cội nguồn dân tộc. Những bông hoa râm bụt Bác trồng trước lán Tỉn Keo như những đốm lửa sáng giữa núi rừng xanh ngắt. Trong lồng ngực lúc này, trái tim chúng tôi dường như đang thổn thức những nhịp đập của tình yêu Tổ quốc, của lòng tự hào dân tộc.

Đoàn nghe giới thiệu về cây đa Khuôn Tát tại khu di tích ATK Định Hóa (Ảnh: Chí Tuấn)
Đoàn nghe giới thiệu về cây đa Khuôn Tát tại khu di tích ATK Định Hóa (Ảnh: Chí Tuấn)

Rời Tỉn Keo, chúng tôi về với Khau Tý (xã Điềm Mặc) – “Phủ Chủ tịch” đầu tiên của Bác tại ATK Định Hóa. Cũng giống như Khuôn Tát và Tỉn Keo, tại lán Khau Tý, Bác cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có những quyết định quan trọng lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc vượt qua mọi gian khó trong những ngày đầu “thiên đô” từ Hà Nội lên núi rừng Việt Bắc. Đây cũng là nơi Bác quyết định lấy ngày 27.7 hằng năm là ngày thương binh liệt sĩ.

Nơi đầy ắp tình thân

Sau khi tham quan nơi ở và làm việc của Bác, bảo tàng, nhà trưng bày ATK Định Hóa và được nghe những câu chuyện cảm động về Bác, chúng tôi đến thăm nơi đầu tiên thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (bấy giờ là Hội những người viết báo Việt Nam) tại xóm Roong Khoa, xã Điềm Mặc. Tại nhà truyền thống của Hội diễn ra cuộc gặp gỡ thân mật với các nhà báo, phóng viên của Hội Nhà báo Tỉnh Thái Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên và lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân. Chúng tôi đã cùng nhau dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà báo xuất sắc – người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó, chúng tôi cùng nhau trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề. Và cũng tại nơi cội nguồn báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi một lần nữa lại tự răn mình: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đang đòi hỏi mỗi người làm báo luôn phải đề cao trách nhiệm công dân, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phải luôn đau đáu với câu hỏi mà Bác Hồ đã dạy chúng ta mỗi khi cầm bút: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?”.

Đoàn thăm nhà trưng bày ATK Định Hóa (Ảnh: Chí Tuấn)
Đoàn thăm nhà trưng bày ATK Định Hóa (Ảnh: Chí Tuấn)

Bóng chiều ngả bên đèo De cũng là lúc chúng tôi trở về Làng văn hóa du lịch Bản Quên (xã Điềm Mặc). Trong nếp nhà sàn đơn sơ mà ấm cúng, các nhà báo, phóng viên đã cùng trao đổi, chia sẻ với Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, Thường trực HĐND huyện Định Hóa và lãnh đạo xã Điềm Mặc. Chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó chặt chẽ, tình cảm thân thiết giữa những người làm báo với cơ quan dân cử ở địa phương. Lãnh đạo địa phương cũng lấy làm tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử, nơi ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Những câu chuyện lịch sử, chuyện kể về Bác của lãnh đạo địa phương và các già làng đã cho chúng tôi sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng và những năm tháng gian khổ không thể nào quên trong lịch sử của dân tộc ta.

Đoàn làm việc với đại diện Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Chí Tuấn)
Đoàn làm việc với đại diện Thường trực HĐND  tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Chí Tuấn)

Những câu chuyện cứ liên tiếp như con thoi đưa màn đêm tĩnh mịch đến với Bản Quên. Điệu hát Then ngân vang cùng tiếng đàn Tính thánh thót, trong trẻo như khiến cho núi rừng bừng tỉnh trong màn đêm tĩnh mịch.  Và buổi giao lưu văn nghệ sôi động hơn khi những người con của “Thủ đô hòa bình” và “Thủ đô kháng chiến” nắm lấy tay nhau cùng hòa mình trong điệu múa sạp truyền thống. Một không gian văn hóa đầy ý nghĩa, nồng ấm tình người đang diễn ra nơi “Thủ đô gió ngàn” bao la. Đó sẽ là những kỷ niệm còn mãi với những người làm báo Đại biểu Nhân dân trong chuyến hành trình đầy ý nghĩa!

Ghi chép của Đào Cảnh