“Chạy nước rút” rà soát điều kiện kinh doanh
Chưa đầy một tháng nữa, các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành theo yêu cầu của Luật Đầu tư 2014. Các bộ, ngành có thể chạy nước rút để bảo đảm tiến độ, nhưng chất lượng của các nghị định sẽ ra sao?
Tăng tốc rà soát
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) cho biết, tính đến ngày 1.7 tới, các bộ đã có hơn 1 năm từ khi Luật Đầu tư 2014 được thông qua (tháng 11.2014) và có hiệu lực (1.7.2015) để rà soát, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết; hợp pháp hóa những điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, trong khoảng 1 năm, các bộ về cơ bản không làm gì hoặc làm cũng không đáng kể. Phải tới 3, 4 tháng cuối, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ mới chú ý tới công tác này.
![]() |
Luật Đầu tư quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về lý thuyết, mỗi ngành nghề cần ít nhất một Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh. Hiện nay có những ngành nghề đã có điều kiện kinh doanh trong luật, pháp lệnh và nghị định, như vậy phải sàng lọc khoảng 3 nghìn điều kiện kinh doanh trong các thông tư, lựa chọn các điều kiện còn phù hợp, còn hợp lý, hợp pháp hóa bằng các quy định của nghị định. Đó là chưa kể 16 ngành nghề hoàn toàn chưa có điều kiện kinh doanh, ước tính có khoảng 60 nghị định cần được xây dựng.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, các bộ, ngành “chạy nước rút” trong những tháng cuối có thể kịp tiến độ đề ra nhưng cũng có nguy cơ vẫn tồn tại những điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhiều bộ, ngành còn lúng túng trong việc rà soát điều kiện kinh doanh, thậm chí ngay khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực, vẫn có bộ ban hành thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Tư duy của các các bộ vẫn thiên về mục tiêu quản lý nhà nước thay vì hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu giảm mạnh tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm và quản lý dựa trên rủi ro.
Nên có tổ chức độc lập để đánh giá
Khi rà soát các điều kiện kinh doanh, nhiều bộ cũng gặp khó khăn, thách thức. Ví dụ, có những nội dung chưa bao giờ xuất hiện trong hệ thống pháp luật như điều kiện kinh doanh liên quan đến thử tương đương sinh học, giải phẫu thẩm mỹ. Hoặc, những vấn đề nhiều bộ, ngành cùng quản lý thì bộ, ngành nào có trách nhiệm trình dự thảo Nghị định? Những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật dài hàng trăm trang trong lĩnh vực dược, thực phẩm, mỹ phẩm có thể đưa vào nghị định được không?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1.7 tới, nếu không được nâng cấp lên thành Nghị định của Chính phủ. Đến nay, các bộ, ngành về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định, như Bộ NN - PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 thông tư, Bộ Công thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư... Đại diện một doanh nghiệp cho rằng: “Nếu không có cơ chế giám sát, đánh giá tính hiệu quả thì việc các bộ nâng cấp một cách cơ học để bảo đảm tính pháp lý của các điều kiện kinh doanh này là điều không tránh khỏi”.
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng lo ngại sẽ gặp khó khăn với những quy định mới. Gần đây, doanh nghiệp kinh doanh gas tại các tỉnh miền núi “nháo nhào” vì Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí yêu cầu mỗi doanh nghiệp phân phối phải có số lượng chai gas các loại (không tính chai LPG mini) chứa được tổng dung tích tối thiểu 2,6 triệu lít. Trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện này sẽ phải đóng cửa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gas của người dân các tỉnh nghèo không cao và doanh nghiệp sẽ phải chi hàng tỷ đồng mua vỏ chai mới, rồi “để đấy cho đủ điều kiện”.
Kiểm soát chất lượng các điều kiện kinh doanh là một bài toán khó với các nhà làm luật. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, không thể dựa vào các bộ, ngành mà phải có một tổ chức độc lập đứng ra đánh giá toàn bộ điều kiện kinh doanh trên cơ sở thống nhất các văn bản pháp luật có liên quan với những tiêu chí cụ thể. Như vậy mới đạt được mục tiêu cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.