Bài 4: Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh?
Trước những phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines, các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng, phán quyết có lợi cho Philippines sẽ làm suy yếu những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với Biển Đông, song không ngăn cản được nước này theo đuổi chủ nghĩa bá quyền tại khu vực.
>> Bài 1: Con đường pháp lý của Philippines
>> Bài 3: Đòn chí tử hay phán quyết hẹp?
Chiến thắng mang tính biểu tượng
Trong những ngày tới, PCA sẽ đưa ra phán quyết của mình và nhiều khả năng không có lợi cho Trung Quốc. Song điều đó không có nghĩa phán quyết của PCA sẽ làm thay đổi sâu sắc tình hình khu vực. Thực tế cho thấy Trung Quốc là một cường quốc tại Thái Bình Dương, và họ vẫn sử dụng sức mạnh để “sở hữu” trái phép nhiều đảo bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế. Một báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính Trung Quốc đã bồi đắp 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (diện tích được mở rộng lên tới hơn 1.300ha) mặc dù những thực thể này nằm trong vụ kiện mà PCA thụ án từ năm 2013.
Và như bài trước đã phân tích, do UNCLOS chỉ có thẩm quyền xử lý các tranh chấp liên quan đến giải thích áp dụng Công ước, nên những người quá kỳ vọng vào một phán quyết rành mạch về chủ quyền liên quan đến “Đường 9 đoạn” phi lý mà Trung Quốc yêu sách, có thể sẽ thất vọng.
![]() |
Tuy nhiên, không thể nói rằng vụ kiện của Philippines sẽ không có tác động. Luật quốc tế và các thể chế như LHQ thực chất là những công cụ để thông qua đó các quốc gia củng cố lợi ích của mình bằng cách kiềm chế đối thủ và trợ giúp các đồng minh. Mỹ muốn thông qua những cơ chế và nguyên tắc quốc tế như “tự do hàng hải” cùng với ảnh hưởng của mình để tạo sức mạnh trong đàm phán cho các đối tác trong khu vực. Một phán quyết có lợi cho Philippines, tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng, song sẽ mang lại cho Washington tính hợp pháp để hỗ trợ các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng đối phó với bất kỳ yêu sách phi lý nào.
Bài học về sức mạnh luật pháp
Còn như Giáo sư James Kraska tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ phân tích, ngay cả với một phán quyết hạn chế, quyết định cuối cùng của PCA sẽ trực tiếp đối đầu với nước cờ chiến lược của Trung Quốc. Sự công bằng của PCA sẽ một lần nữa chứng minh rằng, trước luật pháp quốc tế, lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh. Cho dù Bắc Kinh quyết tâm phớt lờ những hệ quả của phán quyết, các hiệu ứng theo sau nó sẽ có tính phá hủy mà Bắc Kinh sẽ khó lường được.
Thứ nhất, việc Trung Quốc thua trong một vụ kiện quốc tế sẽ khiến họ không còn tính “chính danh” trong các yêu sách của mình, và chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tăng cường tính logic pháp lý để giải thích lập trường của họ trong và ngoài nước. Trung Quốc đã phản ứng đối với vụ kiện bằng việc phủ nhận liên tục các cáo buộc của Philippines và các nước láng giềng. Nhưng các học giả và nhà hoạch định chính sách sắc sảo hơn của nước này đã nhận ra rằng các tuyên bố chính thức về Biển Đông của chính phủ chẳng thuyết phục được ai bên ngoài Trung Quốc. Sự lúng túng của các học giả và quan chức Trung Quốc tại vô số cuộc họp và hội nghị trong thập kỷ bắt đầu được hiểu rõ qua phương tiện truyền thông mà người dân Trung Quốc có thể tiếp cận được.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ phải nếm trải bài học về sức mạnh và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên hiện tại. Quyền lực pháp lý hay đạo đức bắt nguồn từ luật pháp quốc tế thường bị bôi nhọ, và Trung Quốc không có truyền thống về pháp trị mà ở đó luật pháp mang tính ràng buộc đối với cả kẻ mạnh lẫn yếu. Phán quyết sẽ không khiến Trung Quốc rút lại các yêu sách chủ quyền hay ngừng hoạt động xây đảo của mình, nhưng nó sẽ thách thức quan điểm của nước này rằng luật pháp là công cụ của kẻ mạnh để kiểm soát kẻ yếu. Cho dù không hiệu quả, luật pháp quốc tế và quyền lực đạo đức của một trật tự thế giới tự do sẽ tạo nên một rào cản đối với các tham vọng của Trung Quốc.
Thứ ba, động lực pháp lý và chính trị từ vụ thắng kiện của Philippines nhiều khả năng sẽ khiến các nước khác khởi xướng vụ kiện chống Trung Quốc liên quan tới các quyền trên biển theo quy định của UNCLOS, và tác động sẽ ảnh hưởng không chỉ ở Biển Đông. Nhật Bản và một số nước khác ở Đông Nam Á đều đang cân nhắc hình thức phân xử trọng tài các tranh chấp biển với Trung Quốc, và họ sẽ có thêm lý do để làm vậy nếu Philippines thành công, điều gần như đã được bảo đảm. Trung Quốc là nước duy nhất phụ thuộc vào các yêu sách quá mức đối với các đảo để khẳng định quyền tài phán đối với các khu vực trên Biển Đông. Nhiều khả năng họ sẽ phải đối mặt với một loạt vụ kiện trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đó sẽ là một quá trình pháp lý kéo dài và lúng túng khi đó sẽ không phải là một vụ kiện đơn lẻ. Cách duy nhất để Trung Quốc tránh việc giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc trong các vụ kiện kiểu này là rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, lựa chọn đó “hại nhiều hơn lợi” bởi việc rút khỏi UNCLOS sẽ phải mất 1 năm kể từ khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố và trong thời gian đó các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vẫn có đủ thời gian để theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc đến phút chót. Ngoài ra, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tượng trong phán quyết của PCA liên quan đến vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ không thể sử dụng UNCLOS phục vụ cho những mục đích của mình. Trung Quốc lâu nay vẫn muốn khai thác các đáy biển trong khu vực, điều mà UNCLOS có thể trợ giúp, và hiện Bắc Kinh đang dựa vào UNCLOS để khẳng định những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Chắc chắn khi phán quyết của PCA được đưa ra, giống như chiếc hộp Pandora đã được mở ra, Trung Quốc sẽ ở vào vị trí không ổn định, nơi việc tuân thủ pháp trị và niềm tin vào sự am hiểu luật pháp của một nước yếu hơn sẽ giành ưu thế trước một nước mạnh hơn.