Ranh giới giữa kinh tế với hình sự rất mong manh

Hoàng Ngọc thực hiện 01/06/2016 08:00

Theo ĐBQH, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre TRỊNH THỊ THANH BÌNH, thực tế áp dụng pháp luật đã xuất hiện hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Vì có những vụ việc xảy ra, về mặt hiện tượng giống như hình sự, nhưng thực chất lại là dân sự. Ranh giới giữa hành chính với hình sự, giữa kinh tế với hình sự, dân sự với hình sự rất mong manh. Vì vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan áp dụng pháp luật. Phải hiểu đúng tinh thần của điều luật.

Đã có hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

- Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã khẳng định tinh thần của Chính phủ là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ý kiến của bà về tinh thần này của Chính phủ?

- Quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm này cũng được thể hiện xuyên suốt qua Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1992 và được các cơ quan áp dụng pháp luật quán triệt, thi hành triển khai trên thực tế. Quan hệ dân sự và kinh tế thực chất là một, đều mang tính chất dân sự. Đó là câu chuyện của hai bên cần giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải. Nếu áp dụng pháp luật phải tuân theo pháp luật về tố tụng dân sự.

- Là quan điểm không mới, đã được luật hóa, song lại được Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tại Hội nghị và sau đó thể hiện trong Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 - có phải do khâu triển khai thực hiện luật đang có vấn đề không, thưa bà?

- Đó là bởi thực tế áp dụng pháp luật đã xuất hiện hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Trường hợp một số hành vi vi phạm nghĩa vụ xác lập từ các giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đang là vấn đề bức xúc được dư luận, gây thiệt hại trực tiếp đối với không ít người dân, doanh nghiệp, làm tổn hại môi trường đầu tư kinh doanh, gây mất niềm tin và nền công lý và nền tư pháp. Ngược lại, cũng có trường hợp nên xử lý hình sự, chúng ta lại áp dụng pháp luật về tố tụng dân sự, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan áp dụng pháp luật, phải hiểu đúng tinh thần của điều luật.

Cụ thể, có những vụ việc xảy ra, về mặt hiện tượng giống như hình sự, nhưng thực chất lại là dân sự. Ranh giới giữa hành chính với hình sự, giữa kinh tế với hình sự, dân sự với hình sự rất mong manh. Nếu người áp dụng pháp luật là cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, Tòa án nhân dân và những người trực tiếp tiến hành tố tụng không xem xét, đánh giá toàn diện vụ việc, không đánh giá theo đúng nguyên tắc của pháp luật tố tụng, làm rõ, chứng minh được hành động đó là phạm tội thì dễ dẫn đến án sai. Người áp dụng pháp luật cần dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm, tính chất, mức độ phạm tội, để đưa ra phán xét cuối cùng; thậm chí có những trường hợp nằm ở trong làn ranh giới giữa hình sự và kinh tế, xét xử theo hình sự không sai, nhưng nếu không thật sự cần thiết, nên xem xét xử lý ở một biện pháp khác, tốt cho cả đôi bên.

Đừng đặt bẫy người dân và doanh nghiệp

- Qua thực tế xét xử các vụ án, bà có thể cho biết một vài ví dụ cụ thể?

- Ví dụ trong trình tự, thủ tục giao dịch dân sự, kinh tế, do người dân, doanh nghiệp không biết, gặp vướng mắc, hoặc có sự chậm trễ về thủ tục, thì nên giải quyết bằng con đường dân sự, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh sản xuất. Thậm chí, có những trường hợp Nhà nước phải hỗ trợ vốn, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, đầu tư công nghệ, kỹ năng kinh doanh giúp doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn. Những vấn đề vướng mắc trong thủ tục hành chính không nên hình sự hóa, khiến người dân, doanh nghiệp coi đó như cái bẫy, chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu hỗ trợ… mà trở thành tội phạm. Nếu trong môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường sống có quá nhiều bẫy kiểu như vậy là không phù hợp với bản chất của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đẩy chính quyền xa dân, khiến người dân lo sợ. Đáng lưu ý, người dân lo sợ không phải vì tính nghiêm minh của pháp luật mà sợ sự nhập nhằng trong thủ tục hành chính, sợ cái bẫy mà ai cũng có thể sa vào. Người áp dụng pháp luật phải hiểu biết, đủ tâm, đủ tài để biết việc nào đáng xử, phải xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vụ việc nào không được xử, không nên xử và không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp mạnh, lựa chọn cái nào tốt nhất cho Nhà nước, cho nhân dân, trong trường hợp đó người dân sẽ không nhờn luật. Đồng thời, thấy được tính nhân văn của việc hành xử theo pháp luật từ chính những cán bộ áp dụng pháp luật và Nhà nước ta.

- Tuy nhiên không phải không có những vụ việc phức tạp, mà như bà chia sẻ, nếu không hình sự hóa sẽ bỏ lọt tội phạm, thưa bà?

- Trong lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp. Ví dụ, tín dụng đen có yếu tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lớn, nhưng người áp dụng pháp luật lúng túng, không biết nên xử lý như thế nào?

Siết chặt lại thì đúng là hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng khó chứng minh được yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng trong trường hợp, người ta có ý thức chiếm đoạt tài sản, sử dụng thủ đoạn, biện pháp để chiếm đoạt, chứ không thuần túy ở câu chuyện vay, mượn không có khả năng trả nợ, thì nên giải quyết như thế nào? Hoặc chính đối tượng đó lợi dụng thủ tục của Nhà nước, cho vay nặng lãi và hợp thức hóa bằng hợp đồng, cam kết cho vay rồi lại chuyển thành hợp đồng mua bán nhà đất. Đến khi không đòi được nợ, sẽ mượn tay cơ quan pháp luật thành người đòi nợ cho mình, kiện ra tòa án. Những trường hợp trên phải có biện pháp, quy định hướng xử lý thích hợp. Không thể để công cụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân thành công cụ cho những kẻ làm ăn mờ ám, lừa lọc.

Ngược lại, những trường hợp làm ăn kinh tế, dân sự đơn thuần, muốn tìm kiếm đồng tiền lương thiện trong khả năng vốn có, mà chưa lường hết được vướng mắc về mặt cơ chế, pháp luật phải hướng dẫn và có sự trợ giúp. Chúng ta không hiểu và áp dụng pháp luật quá máy móc, mà còn cần năng lực, trình độ kỹ năng, đạo đức, niềm tin nội tâm của con người để nhìn nhận rõ bản chất vấn đề, qua đó xử lý tốt hơn. Trong lãnh đạo, điều hành, tạo điều kiện cho những người áp dụng pháp luật, những người chính trực, công tâm linh động hơn khi áp dụng pháp luật, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phù hợp với từng hoàn cảnh, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khách quan, nhân đạo.

- Xin cảm ơn bà!

Hoàng Ngọc thực hiện