Sử dụng công cụ phòng vệ
Sự kiện mới đây khi Bộ Công thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài nhập khẩu đã phần nào cho thấy, doanh nghiệp thép dần nắm bắt được công cụ quan trọng này. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp thép nội nào cũng vui, trái lại còn có những phản ứng trái chiều do bất đồng quan điểm trong việc nâng thuế đối với thép nguyên liệu nhập khẩu. Song, với bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam, việc xung đột lợi ích giữa các bên đều không thể tránh khỏi.
Sâu xa hơn, có thể nhận thấy, dường như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại như một rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài mà không phải là một công cụ để doanh nghiệp có thể sử dụng chống lại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cho tới thời điểm hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam mới đứng nguyên đơn 5 lần trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, riêng trong năm 2015 đã có 2 vụ. Con số này quá nhỏ so hơn 100 vụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn. Còn nhớ, một cuộc thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI thực hiện từ cuối năm 2014 với hơn 1000 doanh nghiệp cũng cho thấy, chỉ khoảng 60 - 70% doanh nghiệp được hỏi đã biết về công cụ phòng vệ thương mại nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp mới ở mức độ sơ khởi, nghe tới mà không có kiến thức sâu về các công cụ này.
Thực tế, cũng có một số doanh nghiệp, hiệp hội dù đã biết về các công cụ pháp lý này nhưng lại không hiểu rõ về những điều kiện, đòi hỏi về pháp lý và thủ tục mà mình cần tuân thủ để sử dụng công cụ này hiệu quả. Nói một cách khác, doanh nghiệp và hiệp hội đã có “vũ khí tự vệ” trong tay nhưng hoặc là không biết mình đang sở hữu chúng, hoặc là biết là có mà không được hướng dẫn cách sử dụng như thế nào cho đúng và hiệu quả. Ngay cả những doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường nhưng vẫn chưa coi công cụ phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình. Điều này lý giải cách ứng xử đầy tiểu xảo của họ ngay sau khi “thắng kiện”, tăng giá để hưởng lợi đơn, lợi kép, dù chẳng chịu tác động của mức thuế tự vệ. Hệ quả là, người tiêu dùng phải gánh khi giá bán trở nên hỗn loạn.
Có rất nhiều nguyên nhân lý giải vì sao doanh nghiệp chưa hiểu rõ công cụ quan trọng này, trong đó phải kể tới rào cản để đáp ứng điều kiện bắt buộc như tư cách, bằng chứng. Theo đó, ngành sản xuất sản phẩm liên quan phải tập hợp được đủ các nhà sản xuất đại diện cho ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước sản phẩm đó và rõ ràng nếu lợi ích của ngành quá chia rẽ hoặc mâu thuẫn thì không dễ đáp ứng được điều kiện này. Mặt khác, muốn theo kiện, nguyên đơn phải tập hợp được đầy đủ chứng cứ, phải có lập luận vững vàng và tham gia suốt các giai đoạn của quá trình tố tụng liên quan. Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, tính cộng đồng chưa đạt được mức độ gắn kết mong muốn, nguồn lực dành cho các vụ điều tra kiểu này gần như không được chuẩn bị gì sẽ không dễ để có thể đáp ứng được những điều kiện chủ quan để sử dụng công cụ pháp lý được xem là rất hữu hiệu này.
Do đó, để sử dụng được hiệu quả công cụ phòng vệ này thì không chỉ doanh nghiệp chủ động hơn mà cả hiệp hội, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, trở thành đầu mối cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về nguy cơ hay hàng hóa nước ngoài đang cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là phải biết đối diện, không e ngại, lo sợ sẽ thua kiện trong cuộc đua hội nhập hiện nay.