Tài sản bất minh phải bị tịch thu
Chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều vào tính tự giác của cán bộ, công chức mà thiếu đi cơ chế kiểm soát để bảo đảm tính công khai, minh bạch và chính xác trong kê khai tài sản, thu nhập. Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải xử lý được vướng mắc này - Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo về sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Tư pháp tổ chức mới đây.
Dấu hiệu không minh bạch
Điều 53, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Chính phủ trình QH ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhưng Chính phủ vẫn chưa đề xuất được với QH một văn bản về kiểm soát thu nhập theo đúng yêu cầu của Luật. Trên thực tế, cơ quan quản lý cũng mới chỉ kiểm soát được một phần tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là những tài sản đã được đăng ký, các khoản thu nhập được chi trả qua tài khoản hoặc đã được kê khai nộp thuế. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do biện pháp minh bạch về thu nhập, tài sản còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện cũng còn không ít hạn chế, vướng mắc. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh thẳng thẳn chỉ rõ, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nêu rõ, nếu không công khai, minh bạch tài sản, thì không thể phát hiện và ngăn chặn tham nhũng hiệu quả được.
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng cho biết thêm, chỉ tính riêng thu nhập của mỗi cá nhân đã rất phong phú, đa dạng. Cá nhân có thể có những nguồn thu nhập từ nguồn bất hợp pháp như nhận hối lộ, hoa hồng, chiết khấu trái với quy định của pháp luật, thu nhập từ đánh bạc… Thu nhập tồn tại dưới hai hình thức là bằng tiền và tài sản có giá trị. Theo đó, “kiểm soát” thu nhập là phải xem xét để phát hiện, ngăn chặn những khoản thu nhập trái với quy định của luật. Cơ quan có thẩm quyền phải theo dõi nắm bắt được sự biến động trong tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, một người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không có nhiều, nhưng thực tế bản thân và gia đình lại thường xuyên có khoản chi tiêu lớn thì đó có thể xem là dấu hiệu của nguồn thu nhập không minh bạch.
![]() Nguồn: vcmedia.vn |
Kiểm soát biến động tài sản
Phòng, chống tham nhũng thì ai nói cũng hay. Nhưng chính bản thân mình, trong từng cơ quan, đơn vị công tác lại không phát hiện ra tham nhũng. Chúng ta không thể chỉ hô hào theo kiểu nỗ lực, tích cực phòng, chống tham nhũng mà mỗi cá nhân, đơn vị, cơ quan phải thực sự đưa việc phòng, chống tham nhũng vào thực chất. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thường biểu hiện qua những hoạt động có thể tạo thu nhập, tài sản hiện hữu và các hoạt động tiêu dùng tài sản của bản thân và gia đình họ. Do đó, để kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là muốn kiểm soát để biết được những thu nhập bất minh thì phải kiểm soát đồng thời ở nhiều khâu. Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hùng, phải kiểm soát được những hoạt động có thể tạo thu nhập (đầu vào), kiểm soát tài sản đang có (bên trong), kiểm soát việc tiêu dùng tiền, tài sản (đầu ra) và thậm chí phải kiểm soát tài sản, thu nhập của người thân những người có chức vụ, quyền hạn (kiểm soát xung quanh).
Cụ thể, người có chức vụ quyền hạn phải kê khai tài sản, thu nhập và có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Việc quản lý bản kê khai tài sản, theo dõi, xác minh, thanh tra, kiểm tra, xử lý về tài sản, thu nhập nên được tổ chức theo hướng tập trung tại các cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm tra đảng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Quy định người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình khi phát hiện người thân gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột có tài sản tăng hoặc tiêu dùng lớn hơn so với thu nhập. Quy định trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm, thì tài sản đó mặc nhiên được xác định là tài sản tham nhũng, bị tịch thu và người đó phải bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản.
Nhất trí với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam tham gia đã có quy định về chứng minh tài sản bất minh, nếu tài sản đó không chứng minh được, sẽ bị tịch thu. Điều đó có nghĩa là, đã có quy định nhưng chúng ta chưa thực thi. Cơ quan soạn thảo dự án Luật là Thanh tra Chính phủ nên xem xét, đánh giá kỹ thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nếu đúng là do thiếu hành lang pháp lý thì cần phải sửa Luật, còn nếu vướng mắc, thiếu hiệu quả do khâu tổ chức thực hiện luật thì phải chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện.