Albania và Kosovo: Mặt trận mới của Hồi giáo thánh chiến

Thành An 09/05/2016 08:44

Ba năm trước, Albert và Yassin rời bỏ Kosovo và Albania để gia nhập làn sóng thánh chiến tại Syria. Giờ đây những chiến binh này đã trở về quê hương và góp phần làm nên cái mà Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gọi là “một mặt trận mới” tại châu Âu. Những phần tử như hai đối tượng trên đang đẩy Lục địa Già vào nguy cơ trở thành căn cứ địa của các phần tử cực đoan.

Từ một góc nhỏ châu Âu

Yassin, 30 tuổi, đang làm việc trong một lò mổ ở vùng ngoại ô Thủ đô Tirana của Albania, đã từ chối tiết lộ tên thật vì lý do an ninh. Đối tượng này từng bị thương tại thành phố Aleppo của Syria cách đây hai năm và hiện là cha của ba đứa con. Về lý do tới Trung Đông và đầu quân cho IS, Yassin tuyên bố muốn “cứu giúp những người dân Syria” và hy vọng thánh Allah sẽ nhìn thấu sự hy sinh và tâm nguyện đó. Vì hành vi này, Berisha đã bị kết án 3,5 năm tù giam. Trong khi đó, Albert Berisha, 29 tuổi, từng là sinh viên chuyên ngành Chính trị cho biết, đã quyết định tới Syria sau khi xem các bản tin thời sự trên các phương tiện truyền thông, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân Syria và “tha thiết muốn cùng IS giúp họ” .

Những trường hợp như Yassin và Albert khá phổ biến tại Kosovo và Albania. Theo ước tính của chính quyền sở tại, hiện có khoảng 300 đối tượng  người Kosovo và 120 công dân Albania đã tới Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến của IS. Với số lượng đông đảo này, các đối tượng trên chiếm đa số tính theo đầu người trong hiện tượng thánh chiến. Khoảng 30 người trong số này đã trở về Albania và 120 người về Kosovo, kéo theo nhiều lo ngại.

Chuyên gia phân tích tín ngưỡng Albania, Ermir Gjinishi cảnh báo, nếu chính quyền không có các biện pháp hòa nhập xã hội nhanh chóng, những đối tượng trên có thể lâm vào tình cảnh bị gạt ra bên lề, trở thành những quả bom nổ chậm, gieo rắc tư tưởng cực đoan và phát động thánh chiến ngay giữa lòng châu Âu. Cảnh báo này hoàn toàn không thừa khi một video clip tuyên truyền hồi năm ngoái của IS với nội dung miêu tả khu vực Balkan là “mặt trận mới” của thánh chiến tại châu Âu. Thêm vào đó, một tay súng Kosovo đã tuyên bố, những ngày đen đối đang đến với vùng đất này.

… tới cuộc chiến chung của châu lục

Ilir Kulla, người từng đứng đầu Ủy ban Văn hóa quốc gia Albania, cho rằng việc chiêu mộ các tân binh thánh chiến khá dễ dàng do tình hình kinh tế trì trệ, trình độ học vấn thấp và tuyên truyền tẩy não qua internet. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), mức lương trung bình tại Kosovo là 330 USD/tháng, và ở Albania cao hơn một chút, 370 USD. Nếu cầm súng cho IS, một tay súng bình thường có thể dễ dàng kiếm được gấp 2 - 3 lần, còn nếu trở thành chỉ huy, mức lương không dưới 2.000 USD. Kinh tế khó khăn tại Kosovo kéo theo nhiều vấn đề xã hội. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn đó là trong phần lớn các trường hợp, tiền bạc không phải là động cơ chính khiến nhiều thanh niên trẻ tuổi ở Kosovo và Albania tìm tới Syria để rồi trở về quê hương gây dựng lực lượng. Nói cách khác, giới trẻ bị tẩy não và trở thành công cụ của Hồi giáo thánh chiến.

Tư tưởng Hồi giáo cực đoan ra đời trước cả al-Qaeda và IS. Nhưng khác với al-Qaeda, những kẻ cầm đầu IS đã chỉ ra một con đường xa hơn cả các tư tưởng chính trị cực đoan, khi đưa ra khái niệm Nhà nước Hồi giáo. Ảnh hưởng của tư tưởng này không chỉ bao trùm tại các phần lãnh thổ Iraq và Syria bị IS chiếm đóng, mà có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu. Chính dạng thức nhà nước không tưởng như thế đã thu hút hàng vạn thanh niên (trong đó có hàng trăm phụ nữ) tới Syria và Iraq, để cùng xây lên một nhà nước Hồi giáo mới, truyền cho rất nhiều thanh niên cực đoan khác “cảm hứng” tiến hành thánh chiến ngay trong lòng châu Âu.

Ngay cả khi IS bị tiêu diệt ở Iraq hay Syria thì tư tưởng cực đoan cũng sẽ không chấm dứt. Những kẻ đứng đầu IS sẽ lại mở rộng ảnh hưởng của chúng ở những nơi khác, chẳng hạn ở Libya hay khu vực Sahel (vùng đất từ Biển Đỏ đến Đại Tây Dương, qua một loạt các nước ở miền Nam sa mạc Sahara), hoặc tiếp tục đem thánh chiến tới phương Tây. Vì thế, để chiến thắng cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, châu Âu cần kết hợp các biện pháp an ninh và văn hóa, tín ngưỡng.

Thành An