Thận trọng không thừa
Việc lấy ý kiến xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Bởi để dựng lại hình hài một vị vua huyền thoại không ai biết hình tượng ra sao, từ cách đây hơn 4.000 năm, thật không dễ dàng. Vì vậy, đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ, không thể tùy tiện.
Dựng tượng theo chuẩn nào?
Ý tưởng dựng tượng đài Hùng Vương được Chính phủ cho phép từ năm 2014, đầu năm 2015 tỉnh Phú Thọ bắt đầu tổ chức cuộc thi tuyển sáng tác phác thảo mẫu tượng đài Hùng Vương. Sau một thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được 21 mẫu phác thảo. Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn được 3 tác phẩm để đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong mùa lễ hội 2016. Tuy nhiên, theo GS. Ngô Đức Thịnh, cả 3 mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương được trưng bày tại khu vực trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng chỉ được dựa trên trí tưởng tượng của chính tác giả, các nhà điêu khắc nghệ thuật, chứ chưa có cơ sở khảo cổ về hình dáng Vua Hùng.
Nhiều chuyên gia lo ngại bởi đã có quá nhiều bài học về việc dựng tượng đài. Thực tế nhiều tượng đài anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử na ná nhau do không có tranh vẽ, hoặc ảnh chụp lại các nhân vật lịch sử. Các nhà điêu khắc làm tượng chân dung các nhân vật lịch sử trên cơ sở đọc thư tịch, văn bản mà văn bản lại viết rất mơ hồ về tạo hình. Từ văn bản phải tưởng tượng hình hài rất khó khăn, vì khoảng cách khác xa với ngôn ngữ văn học, chữ viết. Thế nên mới có chuyện tượng đài Trần Hưng Đạo ở mỗi nơi một khuôn mặt dáng vẻ; hay Trần Hưng Đạo nhang nhác Quang Trung, Nguyễn Trãi hao hao Nguyễn Du, Lý Thái Tổ lại giông giống một người nước ngoài.
![]() | |
Người dân ngắm để chọn phác thảo tượng đài Hùng Vương | Ảnh: Văn Trần |
Ngay cả với những nhân vật lịch sử ở gần thời đại chúng ta hơn, như các vị vua thời Trần, thời Lý, thời Lê… có nhiều sử liệu và hình ảnh mà chúng ta vẫn chưa thể làm tốt. Trong khi, thời đại Hùng Vương mang tính huyền sử, chỉ có trong truyền thuyết, trong trí tưởng tượng của người dân. Tài liệu ghi chép về thời Hùng Vương không nhiều.
Rõ ràng, để hiện thực hóa hình tượng Hùng Vương là một thách thức không nhỏ. Người phác thảo phải dựng được hình tượng Hùng Vương mang đúng dáng dấp vị Vua tổ Việt Nam chứ không phải na ná quan dân nước nào. Nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, dựng tượng Vua Hùng cần tính đến tính xác thực về tỷ lệ cơ thể liên quan đến nhân chủng học, về trang phục qua tư liệu khoa học, lịch sử. Các tượng đài này đòi hỏi có tính chuẩn mực cao (về mặt lịch sử, văn hóa, trang phục…) và được xem như đại diện cho nhận thức của dân tộc về các nhân vật này. Phải kết hợp với các nhà sử học để đưa ra khuôn mẫu chuẩn của người Việt cổ.
Cần cẩn trọng
Theo GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, ông tổ của dân tộc thì cần phải dựng để người dân chiêm bái, tôn vinh trong ngày quốc giỗ, nhưng phải cân nhắc rất kỹ. Không thể lấy cái cớ vì không ai biết Vua Hùng là ai thì có thể tùy tiện tưởng tượng, vẽ lên một hình tượng na ná Vua Hùng. Cần phải tổ chức một công trình nghiên cứu cấp quốc gia để nghiên cứu kỹ càng các cứ liệu lịch sử, khi đó mới dựng tượng Vua Hùng. GS. Hoàng Chương cho biết, ngay tại các nước như Ấn Độ, Hy Lạp, họ vẫn dựng tượng các vị thần như thần sấm, thần mưa… Các vị thần cũng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của mỗi người, không có gì cụ thể, nhưng người dân nhìn vào có thể hình dung được đó là vị thần nào.
Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, cần chú trọng tới yếu tố tinh thần thời đại hơn là đi vào chi tiết hóa nhân vật. Trang phục, hình dáng Vua Hùng ra sao không ai biết, bởi thế không nhất định phải đi vào chi tiết, quan trọng là phản ánh được tinh thần và cảm hứng của thời buổi đầu. Nếu cứ cố gắng cụ thể hóa một nhân vật mà bản thân không thể cụ thể hóa được có thể dẫn tới vay mượn hình ảnh từ những nền văn hóa khác, cụ thể ở đây là Trung Quốc.
Còn theo GS.TS. Lê Chí Quế, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Văn học thì nên dựa trên hoa văn trống đồng phác họa một đời sống, văn hóa của người Việt cổ. Chắc chắc Vua Hùng không thể mặc áo giáp, khoác long bào được. Thời Hùng Vương là thời liên minh của 15 bộ lạc, Vua Hùng phải mang dáng dấp của một tù trưởng đại diện cho 15 bộ lạc, tức là thời kỳ cuối của thời nguyên thủy.
Việc xây dựng tượng đài Hùng Vương đòi hỏi sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, vừa bảo đảm dấu mốc lịch sử, vừa thể hiện được vóc dáng, cốt cách, nhìn vào có thể hình dung ra đó là Quốc tổ của người Việt.