IS mất gì sau các cuộc không kích?
Những chiến dịch không kích mạnh tay của Mỹ nhằm vào Iraq và Syria kèm theo sự truy lùng gắt gao của lực lượng an ninh trên khắp châu Âu đang khiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rơi vào thế bí khi mất đi nhiều vùng chiếm đóng, doanh thu và cả các phần tử trung thành.
Vùng chiếm đóng bị thu hẹp
Cuộc không kích của Mỹ và chiến dịch tấn công của lực lượng Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã thu hẹp đáng kể diện tích chiếm đóng của IS trên chiến trường Iraq và Syria. Lầu Năm Góc ước tính, IS hiện đã mất ít nhất 40% vùng chiếm đóng và 25.000 phần tử khủng bố. Chính phủ Mỹ cũng lên kế hoạch giải phóng Mosul của Iraq và Raqqa của Syria khỏi tay IS vào cuối năm nay.
Tại Iraq, gần đây, Washington đã lần đầu tiên tung ra máy bay ném bom B-52 để phục vụ cuộc tấn công nhằm vào kho vũ khí của IS tại Mosul, Iraq. Đây là một phần kế hoạch trong chiến lược mới của chính quyền Obama nhằm giúp Iraq tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq đã bị IS chiếm đóng từ năm 2014. Các phần khác trong kế hoạch có sự tham gia của chiến đấu cơ Apache cùng trực thăng chiến đấu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng triển khai thêm 200 nhân viên quân sự Mỹ tới Iraq, nâng tổng số binh sĩ Mỹ ở đây lên hơn 2.200 người.
Tại Syria, lực lượng Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn cũng đã giành quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra. IS phải đối mặt với lực lượng đoàn kết gồm quân đội Chính phủ và al-Hashid al-Shabi (chủ yếu là người Shiite) cùng các nhóm dân quân người Kurd tại Syria. Mặc dù IS vẫn đang kiểm soát chặt Raqqa, song lực lượng người Kurd đã có bước tiến lớn trong việc tái chiếm khu vực xung quanh phía Nam, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc tái chiếm khu vực này đã giúp cản trở đường cung vũ khí của IS qua biên giới.
Tuy nhiên, điều giới chính trị quốc tế quan tâm hiện nay là người Kurd, người Ảrập, lãnh đạo lực lượng nổi dậy, Nga hay Mỹ sẽ điều hành và quản lý những vùng đất đã được giải phóng khỏi tay IS?
Tờ Telegraph trích lời Phó Tổng thư ký NATO Jamie Shea cho hay, IS đang lên kế hoạch chia tách thành 2 bộ phận nhằm đối phó với tình trạng lãnh thổ bị thu hẹp. Theo đó, một phần sẽ tiếp tục duy trì kiểm soát lãnh thổ ở Iraq và Syria. Phần còn lại sẽ len lỏi vào châu Âu, tổ chức thành các cơ sở cực đoan bí mật. Tình báo Đức gần đây cũng cảnh báo khả năng xảy ra tấn công khủng bố ở các khu nghỉ dưỡng châu Âu. Đặc biệt các bãi biển miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha và bờ biển Italy là những nơi nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt. Thủ đoạn của IS lần này là đưa các phần tử khủng bố đội lốt dân tị nạn và nhân viên làm việc bán thời gian tại các quầy thực phẩm, giải khát và đồ lưu niệm để phục vụ việc tiến hành kế hoạch. Ngoài ra, IS cũng đang xây dựng phần lãnh thổ mới trên vùng bờ biển Sirte, Libya.
Doanh thu từ dầu lậu giảm sút
Kể từ cuối tháng 10.2015, không quân Mỹ đã mở một loạt chiến dịch nhằm vào các mỏ dầu, nhà máy dầu và xe chở dầu của IS. Tờ New York Times đưa tin, các quan chức Mỹ tin rằng đã cắt giảm 1/3 doanh thu từ buôn dầu lậu của IS. Bên cạnh đó, khi Nga tham gia không kích tại Syria, mục tiêu tấn công không chỉ là thành trì, cơ sở vật chất, nơi trú ẩn, kho đạn dược và phần tử khủng bố mà còn là các mỏ dầu sinh tiền của IS. Sự sụt giảm giá dầu thế giới kể từ khi Iran được dỡ bỏ cấm vận sau đạt được thỏa thuận hạt nhân cũng gây không ít khó khăn trên cho IS trong kinh doanh dầu lậu.
Mỹ cũng nỗ lực kìm hãm khả năng giao dịch tiền tệ của các nhóm khủng bố qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Sự sụt giảm thu nhập thấy rõ qua việc lãnh đạo IS đã phải cắt giảm 50% lương của toàn bộ phần tử khủng bố.
Mặc dù doanh thu từ dầu lậu giảm sút đáng kể, nhưng IS vẫn còn nguồn thu tiền mặt từ các hoạt động bắt cóc tống tiền và thu thuế tại những nơi chúng chiếm đóng. Tuy nhiên, doanh thu từ các nguồn trên cũng đã giảm 30% kể từ khi IS mất lãnh thổ vào tay quân đội Iraq và lực lượng người Kurd. Lượng người sống trong khu vực do IS kiểm soát ước tính đã giảm từ 9 triệu người vào năm 2015 xuống dưới 6 triệu người.
Số lượng thành viên sụt giảm
Ngoài bị thu hẹp vùng chiếm đóng, thiếu hụt trong doanh thu, IS còn phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về số lượng phần tử khủng bố. Phải cắt giảm 50% lương do ngân sách giảm đã khiến không ít phần tử IS đào ngũ, bỏ trốn, ngừng phục vụ cho tổ chức khủng bố này. Bên cạnh đó, phần tử IS còn bị lực lượng an ninh châu Âu gắt gao truy lùng và theo dõi sau vụ rò rỉ tài liệu thông tin của 22.000 phần tử. Cảnh sát nhiều nước châu Âu cũng tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ từ bộ tài liệu bị rò rỉ. Trang web của lực lượng ủng hộ phe đối lập ở Syria Zaman Al Wasl đưa ra báo cáo cho thấy, 10% các tân binh trong tập tin bị rò rỉ đến từ các nước phương Tây. Cụ thể, 128 công dân Pháp, 80 người Đức và 57 chiến binh tới từ nước Anh đã được IS chiêu mộ. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière xác nhận tính xác thực của các tài liệu trên và cho rằng, bộ tài liệu rất hữu ích trong việc đẩy nhanh quá trình điều tra và bắt giữ những phần tử cực đoan.
Ngoài ra, một số lượng lớn phần tử khủng bố bị tiêu diệt trong các cuộc không kích. Ước tính các cuộc không kích của Mỹ đã tiêu diệt 25.000 binh sĩ chiến đấu của IS. Đại tá Steve Warren của quân đội Mỹ cho hay, hiện hoạt động chiêu mộ phần tử của IS cũng gặp phải khó khăn bởi uy danh của IS không còn như trước.