Thận trọng khi xử lý thông tin

Cao Sơn 19/04/2016 07:53

Viết về mảng văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số, để hạn chế tối đa sai sót, người viết cần thận trọng khi khai thác, tiếp cận những thông tin khác lạ. Đôi khi, những điều nhà báo tai nghe, mắt thấy cũng có thể trở thành thông tin sai lệch nếu như được lý giải một cách thiếu thận trọng.

Một trong bốn mục tiêu của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, công tác tuyên truyền, vận động là một trong những mục tiêu luôn được Bộ VH, TT và DL chú trọng. Ngoài chỉ đạo các Sở VH, TT và DL làm tốt công tác tuyên truyền ở địa phương, Bộ VH, TT và DL đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương tăng cường tuyên truyền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ở lĩnh vực truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam đã mở và duy trì một số chuyên mục phản ánh chuyên sâu về vấn đề văn hóa dân tộc trên các kênh từ VTV1 đến VTV5, trong đó VTV5 là kênh truyền hình đặc thù dành cho đồng bào dân tộc ít người, phát sóng 24/24h với 26 thứ tiếng. Với phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng hàng nghìn tin, bài trên các kênh từ VOV1 đến VOV5, trong đó hệ phát thanh dân tộc VOV4 đã xây dựng nhiều chương trình phát thanh tiếng dân tộc với tổng thời lượng 1.500 phút/ngày. Bên cạnh đó, hệ thống báo viết, báo điện tử cũng đăng tải nhiều tin, bài nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Có thể nói, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục, quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề thực hiện chính sách dân tộc…, giúp các dân tộc thêm hiểu biết, gần gũi, tăng cường tình đoàn kết, niềm tự hào và ý thức, trách nhiệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.


Tuy nhiên, việc tuyên truyền, quảng bá văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số còn bộc lộ những bất cập. Từ góc độ của người xây dựng kế hoạch sản xuất, phát sóng chương trình, ông Nguyễn Hà Nam, Đài Truyền hình Việt Nam từng thẳng thắn cho rằng, ngoài kênh truyền hình đặc thù về văn hóa dân tộc, các kênh truyền hình quảng bá nói chung mới chỉ tuyên truyền bám theo các sự kiện cụ thể mà thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch nội dung tuyên truyền cho từng giai đoạn. Các đề tài cũng chưa có tính gắn kết, hệ thống về nội dung giữa các chuyên mục, giữa các kênh… Đối tượng phản ánh chưa bao quát toàn bộ các dân tộc, nhiều dân tộc thường xuyên được phản ánh, song cũng có dân tộc ít được nhắc tới, hay nội dung tuyên truyền sơ sài, chưa phong phú. Mảng chương trình giải trí, chương trình truyền hình trực tiếp về các sự kiện, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số hiện được thực hiện với số lượng khá ít…

Qua tìm hiểu thực tế các tin, bài phản ánh trên nhiều loại hình báo chí khác nhau, đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thừa nhận vẫn còn có nhiều thông tin sai lệch, thậm chí bịa đặt về văn hóa các dân tộc thiểu số, dẫn đến những hệ quả xấu. Đó là những sai lệch trong nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng, nhầm lẫn phong tục tập quán giữa dân tộc này với dân tộc khác… Khi tác nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu phương pháp khai thác thông tin không phù hợp dễ gây tác dụng phụ, làm sai lạc thông tin thu được. Đặc biệt, khi viết về mảng văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số, để hạn chế tối đa sai sót, người viết cần thận trọng khi khai thác hoặc tiếp cận những thông tin khác lạ. Sự thận trọng này không chỉ đối với những thông tin lấy từ nguồn khác. Đôi khi cả với những điều tai nghe, mắt thấy của nhà báo cũng có thể trở thành thông tin sai lệch nếu như được lý giải một cách thiếu thận trọng.

Để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự được lan tỏa sâu rộng trong cả nước, đạt các mục tiêu đã đề ra, trở thành ngày hội chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tuyên truyền, thông qua những kế hoạch sâu rộng, toàn diện. Đồng thời, mỗi phóng viên, biên tập viên trực tiếp viết, xử lý tin bài phản ánh về văn hóa các dân tộc cần trau dồi, nâng cao vốn tri thức về văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cao Sơn