Chuyện “thẻ hồng” ở Thái Lan

Bích Hạnh 09/04/2016 08:27

Để đáp ứng dòng chảy tự do của thị trường lao động trong ASEAN, Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm các chính sách dài hạn áp dụng với công nhân nhập cư.

Thẻ hồng - giấy phép làm việc

Sein Htay, Chủ tịch Mạng lưới Quyền lợi Công nhân Nhập cư (MWRN), cho biết đã có rất nhiều hành vi vi phạm quyền lợi của người nhập cư ở Thái Lan. Đó có thể là trừ lương trái phép hay yêu cầu công nhân làm việc ngoài giờ quy định. Một số công nhân nhập cư cũng không được phép nghỉ ốm hay nghỉ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ của quốc gia họ.

Do đó, MWRN đã chủ trì một diễn đàn hôm 20.3 để nâng cao sự hiểu biết về chính sách mới của Chính phủ, theo đó, tất cả công nhân nhập cư hiện nay cần phải nộp đơn xin giấy phép lao động, hay còn gọi “thẻ hồng” (pink card) để được tiếp tục làm việc ở Vương quốc này trong hai năm nữa. Hiện nay, khoảng 400 nghìn công nhân đang có thẻ hồng, hết hạn vào ngày 31.3 và sẽ phải được gia hạn sau đó. Các công nhân nhập cư có thị thực (visa) Thái Lan sẽ không được gia hạn. Một khi visa này hết hạn, họ cũng phải nộp đơn xin thẻ hồng...

Arak Prommanee - người đứng đầu Cục Việc làm của Bộ Lao động Thái Lan cho biết, ngày 23.2, Nội các nước này đã quyết định kéo dài thời gian ở lại Thái Lan của các công nhân nhập cư từ ba nước Myanmar, Lào và Campuchia. Ông giải thích rằng sau ngày 31.3.2016, các công nhân này sẽ được cho phép tiếp tục làm việc ở Thái Lan thêm hai năm, cho đến ngày 31.3.2018. Theo ông, Thái Lan đang thiếu lao động không cần chuyên môn cao và chính sách của Chính phủ là cho phép công nhân nhập cư đang làm việc tại Thái Lan được ở lại.

Khoảng 5 năm trước, Chính phủ Thái Lan và Myanmar đã ký kết một biên bản ghi nhớ cho phép công dân Myanmar làm việc tại Thái Lan. Ông Arak cho rằng Chính phủ Thái sẽ ưu tiên cho những đối tượng ghi trong biên bản ghi nhớ này. Andy Hall, cố vấn các vấn đề quốc tế của MWRN, người đã làm việc tại Thái Lan trong 15 năm qua, ước tính hiện có khoảng 3-4 triệu công nhân nhập cư ở Thái Lan, chiếm khoảng 15% thị trường lao động. Trong đó, 80% tới từ Myanmar, 15% từ Campuchia, còn lại là Lào và Việt Nam.

 Ngoài ra, theo chính sách nhập cư mới, các lao động thủ công nhập cư sẽ bị hạn chế đi lại trừ phi chủ lao động hoặc quan chức Chính phủ thông qua kế hoạch đi lại của họ. Cụ thể, các công nhân nhập cư sẽ chỉ được đi lại bên ngoài tỉnh, thành mà họ đăng ký làm việc trong 7 ngày cho dù giấy phép đi lại được cấp đi chăng nữa. Họ cũng sẽ không được về nước với thẻ hồng mới hay được phép về nước bằng đường hàng không. Thêm vào đó, việc cho phép công nhân được thay đổi công ty làm việc sẽ bị hạn chế khắt khe trong vài trường hợp.

Còn nhiều tranh cãi

 Các công nhân nhập cư tại Thái Lan được cấp giấy phép làm việc-thẻ hồng, cho phép họ được sinh sống và làm việc tạm thời tại Thái Lan. Các công nhân nhập cư không giấy phép sẽ bị bỏ tù tới 5 năm, hoặc bị phạt lên tới 100.000 Baht, hoặc cả hai hình phạt này.

Ông Sein Htay nhấn mạnh, không giống hộ chiếu tạm thời, thẻ hồng không phải là thẻ căn cước hợp pháp. Thẻ hồng cho phép những người đến Thái Lan mà không có giấy tờ gì được lưu trú ngắn hạn. Những người có thẻ hồng vẫn có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào và bị cảnh sát bắt giữ, và không được nhận những phúc lợi như an sinh xã hội, nghỉ phép, đền bù cho công nhân hay giấy phép lái xe.

Hệ thống này cũng gây “hao tiền tốn của” với các công nhân. Việc đăng ký thẻ hồng lần đầu tiên tốn 300 Baht. Nhiều công nhân bị yêu cầu phải gia hạn thẻ trước thời hạn là cuối tháng 6.2016 với lệ phí 600 Baht, cộng thêm tiền môi giới lên tới 10.000 Baht. Xét trên các kinh nghiệm trước đây, quá trình xét duyệt giấy phép thường kéo dài và có nguy cơ dẫn đến vấn nạn hối lộ các nhân viên môi giới và các quan chức thực thi luật. Nhiều người cũng chỉ ra rằng kế hoạch này sẽ tốn nhiều thời gian, trong khi các công nhân nhập cư có đủ giấy tờ cần thiết có thể tới trực tiếp Đại sứ quán để xin visa.

Bích Hạnh