Cái nhìn đa diện về tướng quân Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư không được lòng các quan lại cùng thời, còn hậu thế biết đến ông là kẻ đa tài nhưng lắm tật… Dưới ngòi bút của Lưu Sơn Minh, người đọc như được du hành giữa những dòng cổ sử, có được cách lý giải về nhân vật này.
|
Gần 300 trang tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư chia thành 25 chương và 6 khúc vọng, xoáy vào giai đoạn ông được giao trọng trách trấn giữ cảng Vân Đồn đến khi giành chiến thắng ở đây trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba. Qua đó cho thấy cái nhìn đa diện về nhân vật lịch sử này - một con người khi đứng trên đỉnh cao của danh vọng vẫn có những sở thích rất đời thường, khi sống giữa ngàn vạn người tung hô vẫn cô đơn khôn tả, khi ngạo nghễ oai phong vẫn có lúc không cầm được giọt nước mắt xót thương… Có thể thấy, tác giả đã loại bỏ cách tiếp cận đơn nhất khi chọn Trần Khánh Dư làm đối tượng chính, không khai thác khía cạnh là con người phản kháng, ngang ngược hay tài hoa mà kết hợp giữa sử liệu và mô tả tâm lý. Theo tác giả, tuy là người sống ở thế kỷ XIII nhưng Trần Khánh Dư lại có suy nghĩ và cách hành xử như người thế kỷ XX, XXI, hào khí Đông A và chất lãng mạn, trữ tình hòa quyện trong một con người. Chính vì thế mà văn phong trong Trần Khánh Dư phóng khoáng hơn, không có vẻ cứng nhắc thường thấy trong tiểu thuyết lịch sử.
Đọc Trần Khánh Dư, có chỗ câu chữ ngổn ngang hiềm khích, có đoạn tiết chế đến ngột ngạt, đoạn lại réo rắt, êm ru... tùy vào diễn tiến tâm lý của nhân vật chính. Đặc biệt, việc miêu tả phong cảnh thiên nhiên bao giờ cũng hàm nghĩa minh họa, nối ý cho nội tâm, khiến cho độc giả như được nhìn bằng con mắt của nhân vật, nhận thức sự việc qua cách nghĩ của nhân vật. Cách hành xử của Trần Khánh Dư lý giải không bỗng dưng triều đình nhà Trần vốn chẳng ưa mà vẫn phải trọng dụng ông vì chỉ con người như vậy mới có thể cai quản được Vân Đồn - thương cảng sầm uất nhất Việt Nam thời điểm đó. “Hiểu và thanh thản đi vào trận đánh. Phải đánh, để những người mẹ già khác sau này không lo mất con vì giặc giã chiến chinh. Phải đánh, để những người con gái khác sau này không lo mất người thương trên chốn sa trường. Phải đánh. Đánh thế nào để giữ yên lành cho mai hậu, chứ không phải đánh để tỏ chí nam nhi. Đánh thế nào để tổn thất ít nhất, giữ lấy quân mà còn đánh tiếp”. Tài binh lược của Trần Khánh Dư đã giúp đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.
Độc giả còn thấy ở nhân vật Trần Khánh Dư hình ảnh “ông tướng đánh thủy cô độc” giữa trời đất Vân Đồn mênh mông và luôn bị nỗi day dứt, nhớ nhung dày vò bởi mối tình không thành. Bản thân Trần Khánh Dư cũng nhận thấy nỗi cô đơn của mình, người xung quanh không một ai hiểu ông nhưng bản thân ông cũng không cần ai hiểu mình. “Đừng đọc về ta, đừng nhắc chuyện ta, nếu trong lòng ngươi khư khư những tín điều vô vị và bất di bất dịch. Ta là kẻ đạp lên tín điều và giật đổ những điều bất di bất dịch”. Nhà văn Lưu Sơn Minh nói: “Tác phẩm là câu chuyện về một con người được kể tả là tham bỉ nhưng tôi muốn kể một cách công bằng hơn dưới góc độ không đơn thuần như trong chính sử. Ở Trần Khánh Dư có đầy đủ mặt xấu, mặt tốt, cuộc đời ông gắn với chữ tài mà cũng đi kèm với chữ tai và chính con người như thế mới có nhiều điều đáng nói”.