Sau kiến nghị là gì?

Vũ Thủy 07/04/2016 08:13

UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà số 2 tạm dừng ký hợp đồng thực hiện dự án với nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH Ống gang dẻo Xinxing. Theo các chuyên gia, việc làm này của chính quyền thành phố phù hợp trong bối cảnh dư luận hồ nghi về kết quả trúng thầu. Song, điều gì xảy ra đằng sau kiến nghị này là vấn đề khiến các chuyên gia băn khoăn.

Đã biết lắng nghe dư luận

Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (dự án đường ống nước sông Đà số 2) do Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư đã chọn lựa Công ty Xinxing thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, khi thông tin này được công bố đã gặp phải phản ứng từ dư luận. Ngày 25.3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án, trên cơ sở đó đánh giá, làm rõ thông tin dư luận đề cập liên quan đến dự án và đề xuất giải pháp để bảo đảm dự án thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và quy định pháp luật.

Nguồn: congly.com.vn
Nguồn: congly.com.vn

Sau khi tiến hành rà soát về dự án đường ống nước sông Đà số 2, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện một số nội dung như: tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện; nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện; thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp, bảo đảm theo các tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu... Sau khi tư vấn thực hiện đánh giá đạt kết quả, chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải thông báo hủy ngay kết quả đấu thầu. Chủ đầu tư tập trung thực hiện các nội dung trên và hoàn thành trong tháng 4.2016.

Trước thông tin này, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bùi Thị An cho biết, nhiều cử tri, trong đó có cả các nhà khoa học đã gọi điện bày tỏ sự vui mừng với cách làm của UBND TP Hà Nội. Điều đó chứng tỏ chính quyền thành phố đã biết lắng nghe cử tri, dư luận và là tín hiệu rất tích cực.

Trưởng ban Chất lượng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Chủng cũng đồng tình với cách làm này của chính quyền thành phố. Ông nêu rõ, khi hội nhập, Việt Nam phải tuân thủ các thông lệ quốc tế, trong đó không được phép kỳ thị với bất cứ nhà thầu đến từ bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, trong trường hợp việc lựa chọn nhà thầu gây hồ nghi trong dư luận, chính quyền thành phố kiến nghị tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu là trong thẩm quyền và nên làm, để có thời gian rà soát lại quá trình thương thảo hợp đồng, kiểm tra tính chuyên nghiệp và thiện chí của nhà thầu. Nếu sau quá trình kiểm tra, rà soát, phát hiện quy trình đấu thầu hoặc nhà thầu không bảo đảm quy định đưa ra khi mời thầu thì hủy kết quả trúng thầu cũng chưa muộn.

Gắn trách nhiệm đến cùng

 Chính phủ đồng ý với kiến nghị của UBND TP Hà Nội

Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc yêu cầu chủ đầu tư dự án nước sông Đà, giai đoạn II, tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp ống gang dẻo - Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc.

Văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan chỉ đạo Vinaconex tiếp thu ý kiến, chỉ đạo thực hiện dự án theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sạch cho nhân dân Thủ đô.

Mặc dù đánh giá cao động thái của chính quyền Hà Nội trong việc tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện dự án đường ống nước sông Đà số 2, song nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, đằng sau kiến nghị tạm dừng này là gì?

Bà Bùi Thị An cho rằng, việc tạm dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc khi dư luận có những ý kiến trái chiều mới là bước khởi đầu trong việc bảo đảm dự án được thực hiện thành công. Điều quan trọng là “chính quyền thành phố cần xem xét một cách tổng thể, chi tiết hơn về gói thầu này vì liên quan trực tiếp tới cuộc sống của hàng vạn người dân. Do đó, cần công khai tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật như: chất lượng ống nước thế nào, có bị thôi nhiễm kim loại độc hại không, đơn vị nào sản xuất, tuổi thọ bao nhiêu năm… Đồng thời, công ty tư vấn, phòng thí nghiệm thực hiện đánh giá về chất lượng đường ống nước; thành viên hội đồng thẩm định… cũng cần được công khai để người dân biết và giám sát. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm đến cùng của người ký quyết định chọn nhà thầu, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đội vốn, chậm tiến độ như nhiều dự án khác”, bà nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc công khai, minh bạch quá trình thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa sự phản biện của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Từ thực tế của dự án đường ống nước sông Đà số 2 cho thấy, vai trò phản biện của nhà khoa học vẫn chưa thực sự được phát huy. Trưởng ban Chất lượng Trần Chủng xác nhận, hiện nay, quy trình đấu thầu, tiêu chuẩn của nhà thầu đã được ban hành. Song, vấn đề là ai thực hiện các quy trình, giám sát các tiêu chuẩn đó và làm như thế nào? Bởi, nhiều dự án “đúng quy trình” nhưng vẫn thất bại, phải chăng vì thiếu phản biện của chuyên gia?

Từ câu chuyện lựa chọn nhà thầu của dự án này đặt ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức đấu thầu cũng như lựa chọn nhà thầu. Theo đó, cơ quan quản lý cần rà soát lại các quy định về tiêu chí, cách thức thực hiện quá trình đấu thầu, bởi đấu thầu xây dựng đồng nghĩa với việc chọn lựa nhà thầu làm sản phẩm trong tương lai. Do vậy, phải xem xét năng lực, tính chuyên nghiệp, thành tích của họ mới thảo luận giá thầu chứ không thể chọn nhà thầu thuần túy bằng việc đấu giá. “Giá cả cũng là vấn đề, nhưng nếu chỉ chạy theo giá rẻ mà chất lượng không bảo đảm thì không thể chấp nhận”, bà Bùi Thị An nêu ý kiến.

Vũ Thủy