Khó vì chưa có lòng tin

Đinh Loan 26/03/2016 08:14

Không ít ý kiến cho rằng, nước ta chưa có một thị trường rau quả sạch đúng nghĩa. Người tiêu dùng hiện không có nhiều cơ hội tiếp cận với những loại rau quả, thực phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, họ cũng chưa có lòng tin đối với sản phẩm sạch.

Khó tìm, khó tin

Mới đây, tại hội thảo tuyên truyền về hệ thống bảo đảm có sự tham gia của sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau an toàn do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức, đại diện Chi cục cho biết: Sau gần 7 năm triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016, toàn thành phố hiện có 12 nghìn hécta canh tác rau, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã. Sản lượng rau đạt gần 600 nghìn tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, hiện cơ bản là rau an toàn, có kiểm soát song điều khó nhất hiện nay đối với rau Hà Nội là chưa có nơi tiêu thụ chính thống. Hơn 50% số rau an toàn phải bán ở các chợ đầu mối và người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh. Người tiêu dùng rất muốn sử dụng rau sạch nhưng lại chưa thực sự tin tưởng vào những sản phẩm ghi là an toàn. 

Ông Hồng cho rằng, sản phẩm an toàn cần phải được chứng minh và để làm được điều này chỉ còn biết trông chờ vào doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế cũng cho thấy, số lượng các cửa hàng kinh doanh rau quả, thực phẩm sạch không nhiều, mặt hàng không đa dạng. Tại Hà Nội, có 60 - 70 doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch, trong đó có rau quả sạch, nhưng mỗi doanh nghiệp nhiều nhất cũng chỉ có 4 cửa hàng. Ở TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng kinh doanh rau quả an toàn cũng rơi vào tình trạng sớm nở, tối tàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa là việc kiểm soát chất lượng chưa thống nhất và bài bản. Hễ ai mở cửa hàng bán rau đều có thể quảng cáo rau sạch, an toàn nhưng việc trà trộn đã từng xảy ra. Doanh nghiệp cũng khó có thể trụ lâu dài khi tiền thuê mặt bằng, nhân công, quảng bá rất tốn kém. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ khó bán sản phẩm khi việc bảo quản sau thu hoạch của người sản xuất chưa được chú trọng. Khách hàng sẽ từ chối mua hàng nếu rau không xanh, tươi như ngoài chợ, đại diện doanh nghiệp Mr Sạch cho biết.

Tăng khả năng truy xuất nguồn gốc

Khả năng truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho một thị trường rau quả sạch phát triển nhưng điều này rất khó thực hiện ở nước ta. Sản phẩm chỉ sạch khi người tiêu dùng cầm mớ rau là có thể biết được do ai trồng, trồng ở đâu, trồng theo tiêu chuẩn gì, thu hoạch vào lúc nào, được sơ chế và đóng gói ra sao, cơ sở sản xuất đó có đạt chứng chỉ an toàn nào hay không, do tổ chức nào cấp... Nông sản xuất khẩu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về truy xuất nguồn gốc như thế, nhưng hàng hóa bán trong nước thì chưa, đặc biệt là tại các chợ tạm, chợ cóc và các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, cung ứng rau chuẩn VietGAP cho hệ thống bán lẻ cho biết, các nhà sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đều phải kiểm soát được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc của toàn bộ sản phẩm. Bởi người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, giá cả cũng như nguồn gốc của sản phẩm. 

Hiện nay mặc dù doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm song việc cấp giấy chứng nhận cho vùng nguyên liệu lại do địa phương thực hiện. Do đó, các địa phương cần có nhiều hơn những vùng quy hoạch trồng rau quả an toàn được công nhận và cấp giấy chứng nhận. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt hàng sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ NN - PTNT đã triển khai chương trình hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ tiền thuê địa điểm, nhãn mác... cho doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sạch. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh uy tín, Nhà nước còn cấp giấy chứng nhận công nhận là doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch... Đây là những tín hiệu tích cực giúp thực phẩm sạch tìm được chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền sâu và mạnh mẽ hơn nữa mới hy vọng người tiêu dùng có được lòng tin với sản phẩm an toàn.

Đinh Loan