“Cứu nông dân - phải tính tới giải pháp lâu dài”

Thanh Trúc thực hiện 21/03/2016 08:07

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN - PTNT đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Là một cán bộ quản lý ở một lĩnh vực được xem là gần gũi nhất với người nông dân, ông nhận định gì về những khó khăn mà nông dân vùng ĐBSCL đang phải đối mặt khi hạn, xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp?

- Từ năm ngoái cho đến năm nay, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng rất lớn tới thời tiết. Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương đánh giá đây là đợt El Nino lịch sử trong khoảng 100 năm trở lại đây. Do ít mưa như vậy nên nước ở các kênh rạch, hồ ao xuống rất thấp, cộng với nước ở đầu nguồn thiếu do có một loạt công trình thủy lợi ở bốn nước đầu nguồn sông Mekong. Điều này khiến nước biển vào sâu. Năm nay xâm nhập mặn đến trước gần 2 tháng so với mọi năm. Không những đến sớm, cường độ xâm nhập mặn rất sâu, mọi năm chỉ 20 - 30km tại 5 tỉnh ven biển thì năm nay lên tới 57km, tức gấp đôi. Hơn nữa, nồng độ muối trong nước rất cao, mọi năm chỉ từ 5 - 7‰, nhưng năm nay phổ biến là 10‰, thậm chí có nơi tới 20‰. Độ mặn cao như vậy đã gây khó khăn rất lớn cho người nông dân.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Rõ ràng, nông dân đang bị mất mát quá trầm trọng, trước tiên là khó khăn về thu nhập làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày. Làm một phép tính đơn giản, nếu suôn sẻ thì mỗi hécta lúa mang về cho nông dân khoảng 25 - 30 triệu đồng, mỗi nhà có vài hécta thì sau mấy tháng lao động, họ cũng có đủ tiền để trang trải chi phí đầu tư, vay ngân hàng, sinh hoạt hằng ngày, nuôi con ăn học, giờ mất trắng, như vậy là lao đao rồi. Vậy mà đỉnh  của xâm nhập mặn năm nay vẫn chưa tới, dự báo khoảng giữa tháng 4, do đó, theo ước tính của chúng tôi, sản lượng bị thiệt hại do xâm nhập mặn có thể lên tới trên 1 triệu tấn lúa. Khó khăn khác là họ phải đối mặt với những cánh đồng nhiễm mặn, phải vất vả cật lực làm việc hơn rất nhiều so với trước để có được năng suất như đã đặt ra. Thứ ba là tâm lý lo âu phấp phỏng trước thời tiết khó lường trong khi hệ thống kênh mương, thủy lợi hỗ trợ tưới tiêu còn nhiều bất cập.

- Vậy, đâu là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nông dân, thưa ông?

- Để giảm thiểu thiệt hại, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải khẩn cấp hỗ trợ nông dân theo quy định, còn Bộ NN - PTNN cũng đã kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người nông dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới cuộc sống. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng hơn cả  là tập trung vào những giải pháp lâu dài để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Những giải pháp này đã được Bộ NN -PTNT đưa ra, tập trung cho những lĩnh vực gồm: nước tưới, nước sinh hoạt, tích cực trồng và bảo vệ rừng.

Về nước tưới, cần tổ chức thực hiện tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Tăng cường phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, lịch xả nước từ các hồ thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm để nhân dân biết và chủ động phòng tránh, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Rà soát cập nhật cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra. Tổ chức các biện pháp lấy nước và trữ nước, đắp đập ngăn mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời lấy nước. Xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những ngày khô hạn.

Về cấp nước sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động cấp nước cho người dân các khu vực không có nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Cung cấp trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng mặn nhưng không thể cấp nước bằng công trình tập trung như: hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Cần kéo dài tuyến ống của những công trình cấp nước tập trung để cấp cho những khu vực xung quanh đang bị thiếu nước. Cần hướng dẫn người dân khoan giếng tầng sâu để thay thế tạm thời nguồn nước bị nhiễm mặn. 

Về trồng rừng, cần rà soát lại kế hoạch chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì và trồng rừng kịp thời vụ phù hợp với diễn biến thời tiết khô hạn, bảo đảm hoàn thành kế hoạch trồng rừng hằng năm và không để cháy rừng do xử lý thực bì.

- Xin cảm ơn ông!

 - Một trong những giải pháp lâu dài là chuyển đổi giống cây trồng, ông có thể nói rõ hơn về giải pháp này?

- Bộ NN - PTNT đã đưa ra một quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn của ĐBSCL cho riêng năm 2016. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật để nông dân ĐBSCL có thể lựa chọn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo. Đó là việc áp dụng một loạt giống chịu được xâm nhập mặn độ cao, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Bộ NN - PTNN cũng đã giao Viện Quy hoạch Thủy lợi phải đưa bản đồ xâm nhập mặn, những vùng nào xâm nhập mặn 30km, những vùng nào 50km, 70km… trên cơ sở những kịch bản như vậy để bố trí cây trồng cho phù hợp.

Cây lúa vẫn là thế mạnh của ĐBSCL, do vậy chúng tôi đang kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL và các trung tâm nghiên cứu phía Bắc nghiên cứu để đưa ra các giống lúa chịu mặn nhiều hơn nữa. Còn với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được thì chúng ta sẽ quy hoạch những loại cây ăn trái phù hợp. Ngoài ra phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật để mặn xâm nhập mà cây vẫn tồn tại được.

Thanh Trúc <i>thực hiện</i>