Ghế Tổng thống lung lay

Bình Minh 10/03/2016 08:26

Chính trường Brazil đang rất căng thẳng sau khi cảnh sát cưỡng chế cựu Tổng thống Lula da Silva để lấy lời khai về vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Vụ việc này được cho là ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp chính trị của đương kim Tổng thống Dilma Rousseff - nhân vật thân cận của người tiền nhiệm Lula da Silva. Thậm chí không loại trừ khả năng bà sẽ phải sớm rời nhiệm sở.

“Bão” quay trở lại

Bà Rousseff đang đối mặt với các vụ kiện liên quan đến bê bối quản lý tài chính, trong khi Tòa án Tối cao cũng đang điều tra cáo buộc dùng tiền bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử hồi năm 2014 mà có thể dẫn đến việc hủy bỏ kết quả tái đắc cử của bà. Vụ việc có vẻ đã tạm lắng xuống trong nhiều tuần trở lại đây, thậm chí tỷ lệ ủng hộ bà Rousseff đang dần hồi phục. Tuy nhiên, cuối tuần trước, một “quả bom nguyên tử” đã giáng xuống đảng Lao động cánh tả với vụ bắt giam cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva - cố vấn và là người tiền nhiệm đầy ảnh hưởng của bà Rousseff. Ông Lula bị cáo buộc nhận hối lộ từ các công ty liên quan đến bê bối quy mô lớn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Tổng thống Brazil Rousseff đối mặt với nguy cơ mất ghế
Tổng thống Brazil Rousseff đối mặt với nguy cơ mất ghế

Hình ảnh nhà lãnh đạo quyền lực một thời bị cảnh sát và các sĩ quan trang bị súng trường áp giải đã khiến căng thẳng sôi sục trở lại. Hiện nay, khi thời điểm tạm lắng đã trôi qua, bà Rousseff sẽ phải đấu tranh để bảo vệ sự nghiệp chính trị của mình ở Quốc hội, các tòa án và cả trên đường phố. Phe đối lập sẽ xuống đường biểu tình, trong khi các đảng đối lập trong Quốc hội đang tìm động lực mới để tố cáo bà Rousseff.

Cuộc tấn công vào cánh tả

Theo một số nhà phân tích, ông Lula và bà Rousseff đang bị dồn vào chân tường, và đảng Lao động cầm quyền sẽ áp dụng chiến lược “được ăn cả, ngã về không” trong cuộc đối đầu tới đây trên nhiều mặt trận. Giáo sư David Fleischer chuyên ngành chính trị của Đại học Brasilia cho rằng hành động phản ứng với vụ việc hôm 4.3 cho thấy những người ủng hộ đảng Lao động ngày càng tin chắc rằng cuộc tấn công pháp lý nhằm vào ông Lula và bà Rousseff là cuộc tấn công vào cốt lõi của phong trào cánh tả quốc gia. Bà Rousseff chỉ trích cơ quan tư pháp và cánh sát đã cưỡng chế thay vì triệu tập ông Lula - người chưa bao giờ từ chối hợp tác với các cơ quan chức năng. Bà tố cáo phe đối lập đang âm mưu lật đổ Chính phủ và tiến hành tổng tuyển cử trước năm 2018.

Trong khi đó, ông Lula đã phủ nhận việc nhận tiền hối lộ và gọi vụ việc cảnh sát bắt giữ ông hôm 4.3 là “vở kịch” nhằm hạ thấp uy tín của ông. Vị cựu Tổng thống này đang bị “sờ gáy” trong một loạt nghi án tham nhũng, từ Tập đoàn Petrobras đến các công ty xây dựng. Chiến dịch tham nhũng có thể diễn ra trong nhiệm kỳ ông Lula làm tổng thống 2003 - 2010. Hiện vẫn chưa có cáo buộc trực tiếp đối với Tổng thống đương nhiệm Rousseff, người từng giữ chức Bộ trưởng Năng lượng Brazil - cơ quan chủ quản của Petrobas - dưới thời ông Lula.

Nguy cơ ngã ngựa

Vụ việc bị vỡ lở khi Thượng nghị sĩ đảng Lao động Delcidio do Amaral, bị bắt hồi tháng 11.2015, giao nộp cảnh sát điều tra các tài liệu quan trọng liên quan tới cựu Tổng thống Lula. Một thông tin chưa được xác nhận rằng ông Amaral chuẩn bị ra làm chứng cho việc bà Rousseff cản trở điều tra vụ Petrobras đã gây xôn xao dư luận và có thể bổ sung lập luận quan trọng cho phe muốn khởi tố bà.

Tổng thống Rousseff đang ở trong tình thế vô cùng nan giải, với một Quốc hội gần như tê liệt và nền kinh tế lao dốc. Các nhà phân tích cho rằng số phận của bà Rousseff phụ thuộc vào văn phòng công tố viên và cảnh sát, nơi bạn bè và đồng minh cũ của bà, vốn dính vào vụ bê bối Petrobras, đang đàm phán về các thỏa thuận. Trong khi đó, bà Rousseff đã chỉ trích việc tiết lộ các cuộc thương lượng mặc cả này, cho rằng đó là một phần của một chiến dịch nào đó. Bà khẳng định “thông tin rò rỉ là không có thật, song những thiệt hại bởi việc bôi nhọ này đã xuất hiện”.

Lúc này, bà Rousseff đang phải “vật lộn” để cứu sự nghiệp chính trị của mình, nhưng con đường phía trước chưa bao giờ trở nên chật hẹp đến thế. Có ý kiến dự đoán rằng đến cuối năm nay, bà Rousseff sẽ phải rời khỏi chiếc ghế tổng thống.

 Bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Petrobras bắt đầu bung ra từ tháng 3.2014. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras. Vụ bê bối này đã khiến Petrobras bị thiệt hại 2 tỷ USD và nhiều quan chức của tập đoàn cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt tại Brazil bị “sờ gáy”. Hơn 100 cá nhân đã chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra...

Bình Minh