Khung pháp lý đầy đủ, minh bạch

Trương Hồ Hải 05/02/2016 08:19

Hoạt động hành lang ở Mỹ rất sôi nổi, phát triển và hiệu quả, một phần là nhờ được hệ thống pháp luật quy định và bảo vệ.

Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm tự do cá nhân về vấn đề tôn giáo, ngôn luận, báo chí, hội họp trong hòa bình, và quyền được tự do “kiến nghị với chính quyền sửa chữa những điều gây bất bình”. Quy định này rất quan trọng cho các nhà vận động hành lang, là cơ sở pháp lý đầu tiên cho phép họ thực hiện những quyền được Hiến pháp bảo vệ.

Đạo luật đầu tiên được áp dụng cho hoạt động lobby là Đạo luật Vận động hành lang (The Federal Regulation of Lobbying Act of 1946) được Quốc hội thông qua năm 1946. Đạo luật này quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động lobby phải đáp ứng những nghĩa vụ sau: đăng ký với Thư ký của Hạ viện và Thượng viện; thường xuyên giải trình chi tiết về vấn đề tài chính; hàng quý phải gửi báo cáo về hoạt động lobby của mình cho Thư ký của Hạ viện và Thượng viện.

Tiếp đến là Đạo luật về Công khai hóa vận động hành lang (Lobbying Disclosure Act of 1995) điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động lobby cả trong và ngoài nước Mỹ. Luật này đã có những quy định cụ thể hơn so với luật năm 1946.

Cụ thể, luật quy định về các hoạt động trong vận động hành lang, bao gồm việc lên kế hoạch, chuẩn bị, nghiên cứu, tìm kiếm thông tin có chủ định, thực hiện vận động đúng thời điểm, phối hợp với hoạt động vận động của những người khác. Đó là quá trình giao tiếp bằng văn bản hoặc bằng lời nói (bao gồm cả giao tiếp điện tử) đối với quan chức thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp được thực hiện với danh nghĩa là đại diện cho khách hàng nhằm thiết lập, sửa đổi hoặc thông qua pháp luật Liên bang (bao gồm cả dự thảo luật); thiết lập, sửa đổi hoặc thông qua quy tắc Liên bang, quyết định của Chính phủ hoặc bất kỳ chương trình nào, chính sách nào khác của Chính phủ Hoa Kỳ; quản lý thực thi chương trình, chính sách Liên bang (bao gồm cả đàm phán, giải thưởng hoặc quản lý một hợp đồng, khoản trợ cấp, khoản vay, giấy phép); đề cử hoặc xác nhận cá nhân vào các vị trí liên quan thuộc thẩm quyền của Thượng nghị viện.

Luật cũng yêu cầu bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký chậm nhất là sau 45 ngày. Theo đó, kể từ khi người vận động hành lang thực hiện cuộc vận động đầu tiên hoặc được thuê để thực hiện cuộc vận động, tại bất kỳ thời điểm nào trước thời hạn này, người vận động hành lang phải đăng ký với Thư ký của Thượng viện và Thư ký của Hạ viện. Ngoài ra, phải công khai hóa các khách hàng, các cuộc tiếp xúc, các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả…

Luật còn đưa ra những hạn chế cho người làm lobby như cấm các Thượng nghị sĩ và nhân viên văn phòng Thượng viện không được nhận quà hoặc chiêu đãi đáng giá trên 100 USD/người/năm, không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ (trừ 24 trường hợp ngoại lệ về thể lệ quà cáp và chiêu đãi). Luật này cũng buộc những người làm lobby mỗi năm phải báo cáo với nhà nước hai lần về số tiền họ nhận của các công ty, nhận để làm gì và thân chủ của họ là ai; và quy định rằng, bất cứ ai được trả tiền để vận động các nhà lập pháp và quan chức chính phủ đều được coi là người làm lobby, nếu người ấy dùng ít nhất 20% thời gian của mình để đại diện cho thân chủ trong thời gian 6 tháng.

Luật này cũng yêu cầu cả những nhà vận động hành lang không chuyên nghiệp và những người chỉ vận động với công nhân viên cấp dưới của Quốc hội hay nhà nước cũng phải đăng ký, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 USD.

Năm 2007, Luật Lãnh đạo trung thực và Chính phủ mở (The Honest Leadership and Open Government Act of 2007) sửa đổi quy định cấm các hình thức quà cáp “bồi dưỡng” cho nghị sĩ có giá trị từ 20 USD trở lên, tặng vé máy bay, chiêu đãi kỳ nghỉ, chuyến đi thực tế của các nghị sĩ theo lời mời của các tổ chức, cá nhân, mời cơm thân mật...; người lobby phải thường xuyên giải trình chi tiết hoạt động của họ và đăng nội dung trên công báo; và quy định hình phạt hình sự lên đến 5 năm tù giam.

Trong Bản hướng dẫn Đạo luật về Công khai hóa hoạt động lobby năm 2011 của Văn phòng Thư ký Hạ viện Mỹ quy định hình phạt tiền lên đến 200.000 USD, và hình phạt tù giam có thể đến 5 năm đối với bất kỳ nhà vận động hành lang nào không tuân thủ thủ tục đăng ký và báo cáo công khai.

Ngoài ra, liên quan đến hoạt động lobby còn có Bộ luật về ngân sách liên bang (Internal Revenue Code - IRC) và Đạo luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (Foreign Agents Registration Act of 1938 - FARA). Luật này quy định cá nhân, tổ chức đại diện cho các chính phủ nước ngoài tham gia vào các hoạt động như phổ biến, tuyên truyền chính trị và bất cứ hoạt động nào gây ảnh hưởng với dư luận Mỹ, với các cơ quan, quan chức của Chính phủ, Quốc hội Mỹ liên quan đến việc hoạch định hoặc thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ thì đều phải đăng ký.

Trương Hồ Hải