Thú chơi thủy tiên

Cẩm Vân 03/02/2016 08:11

Rễ phải dài như râu tiên ông; lá phải cong các phía, làm nền cho hoa; hoa nhiều tầng, tạo thế cho bình, chứa đựng hương vị mùa xuân… Đó là những tiêu chí cơ bản của một bình thủy tiên chơi Tết.

Trở lại và lan tỏa

Với người Hà Nội, thú chơi hoa thủy tiên đã có từ rất lâu. Xưa kia, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tại đền Ngọc Sơn và đền Bạch Mã lại có hội thi thủy tiên. Vào thời đó, chỉ những gia đình quyền quý, giàu có và tri thức mới có điều kiện chơi hoa thủy tiên. Một bát thủy tiên bày trong nhà vào ngày Tết được cho là sẽ đem lại may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Trong tác phẩm Ăn Tết Thủy Tiên của Vũ Bằng có đoạn miêu tả về thú chơi hoa thủy tiên như sau: Có ai đã từng xem một cuộc trưng bày thủy tiên hẳn đã thấy các cụ ta ngày trước đạt đến tuyệt đích sự thần - thánh - hóa loài hoa. Chẳng hiểu ngày xưa Võ Hậu suy tôn giống mẫu đơn tài tình đến bậc nào, chớ cứ trông thấy các cụ nhà ta trịnh trọng với loài thủy tiên, ta tự nhiên cảm thấy rờn rợn, như hoa là một vị thần linh thiêng thật sự.

Ấy thế mà, đến khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thú chơi thanh nhã này dần biến mất và sau hơn 30 năm mới xuất hiện trở lại. Là một trong những người đầu tiên mang thú chơi thủy tiên trở lại, ông Nguyễn Phú Cường ở Hà Nội tâm sự: “30 năm trước người chơi thủy tiên ở Hà Nội không có mấy, bí quyết của các cụ xưa cũng đã bị thất truyền nên tôi và nhiều người bạn tự tìm đọc tài liệu, mày mò cách gọt, tỉa, chăm sóc hoa. Nghe phong thanh có cụ nào còn lưu giữ kỉ niệm về thủy tiên thì tìm cho bằng được để trước là trò chuyện, sau là học hỏi”. Và không phụ lòng người, sau gần chục năm đam mê, ông Cường đã nuôi dưỡng được hơn 400 bát thủy tiên theo đúng ý mình, được nhiều người khen đẹp và đặt hàng như món quà Tết. Tuy nhiên, với ông Cường, điều vui nhất là đam mê của mình đã lan tỏa đến nhiều người khác, khiến thú chơi được nhân rộng.


Nhiều năm nay, vào những ngày giáp Tết, ông Cường và những người có cùng đam mê chơi hoa thủy tiên lại tổ chức gặp mặt để giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm chơi hoa. Người già thì hơn 80 tuổi, trẻ thì mới tròn đôi mươi, hai thế hệ với lối suy nghĩ và quan niệm về cái đẹp khác nhau, nhưng gặp nhau ở niềm đam mê bất tận dành cho loài hoa thanh tao mà cao quý này, để rồi chính họ đã mang thú chơi đẹp trở lại với người dân Thủ đô.

Vất vả nhưng… sướng

Những năm gần đây, nếu người chơi không có nhiều thời gian và cũng chẳng thành thục thú chơi thủy tiên, thì đến sát Tết vẫn dễ dàng tìm mua được những bình hoa thủy tiên xinh xắn. Tuy nhiên, theo cụ Nguyễn Hữu Ân, “trong tâm thức người Hà Nội xưa, nếu không gọt được thủy tiên thì thà mua một chậu cúc vàng về chưng Tết còn đỡ bực mình hơn nhìn chậu thủy tiên “cứ như một đám hành tây”. Quả thật, để mọc tự nhiên, thủy tiên chẳng khác một bụi hành cao ba bốn mươi phân, hơn chăng là còn dăm cụm hoa thơm nằm thấp trong đám lá mọc cao vút. Vậy nên, thú chơi thủy tiên chính là ở sự dày công và tỉ mỉ, dành trọn tâm huyết và tình cảm. Chơi thủy tiên không chỉ là thú thưởng hoa mà như nhà văn Vũ Bằng viết: Lối chơi này cũng như thú chơi chữ, chơi thơ, vất vả một tí nhưng sướng về tinh thần. Bao giờ mới cho hoa hàm tiếu, bao giờ mới cho nở; lá này muốn ruỗi, giò kia muốn nghiêng, hay là bẹ nọ muốn cao hay thấp, nhất nhất do tay người chơi hoa định đoạt.

Tạo hình thủy tiên đẹp là một lẽ, để thủy tiên nở đúng giao thừa mới gọi là thành công, bởi theo quan niệm xưa, hoa thủy tiên nở đúng giao thừa mang lại may mắn, thịnh vượng cả năm. Do đó, người gọt hoa thủy tiên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm nhưng hoa cũng thơm lâu hơn. Thông thường, người chơi bắt đầu gọt tỉa thủy tiên từ 20 - 25 ngày trước Tết, năm nào ấm thì gọt trước 21 - 22 ngày, lạnh thì trước 24 - 25 ngày. Để chắc ăn, trong vòng 4 ngày, nhiều người chơi mỗi ngày gọt 1 củ, thế nào cũng có 1 - 2 củ nở trúng 30 Tết.

Là một trong những người trẻ nhất của nhóm yêu hoa thủy tiên, cô gái 9x với hơn 5 năm chơi hoa thủy tiên Nguyễn Thu Trang cho biết, cô tìm đến với thú chơi này một cách tình cờ, bởi yêu vẻ đẹp tinh khiết của hoa, nhưng qua thời gian cô nhận ra thủy tiên rất kén người chơi. Quá trình chăm sóc thủy tiên cũng là quá trình con người được bồi dưỡng về tâm hồn và rèn luyện sự cẩn thận, tư duy quyết đoán khi gọt tỉa thủy tiên, tính kiên trì khi chăm sóc và hơn cả là tư duy nghệ thuật để tạo nên một bình thủy tiên đẹp.

Cẩm Vân