Tết nghĩa là hy vọng
Đây là tên chương trình truyền hình tái hiện Tết thời bao cấp sẽ được phát sóng trên kênh VTV6 vào ngày 28 Tết. Êkíp sản xuất chương trình muốn đưa khán giả trở về không khí của thời tem phiếu như một phần ký ức không thể quên.
Dấu mốc khó phai
Tết luôn là một chặng dừng quan trọng, ở đó người ta có xu hướng nhớ về quá khứ. Và thật kỳ lạ là, khi nhìn lại, dù quá khứ có khó khăn đến đâu thì vẫn luôn có giá trị nâng đỡ, khích lệ, thúc đẩy con người sống tốt đẹp hơn. Tết Bính Thân 2016 cũng là một chặng dừng đáng nhớ. Đó là chặng đường của 30 năm “Đổi mới”, từ một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế tập trung bao cấp từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Có lẽ nhiều người đã trải qua những cái Tết của thời kỳ bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, xếp hàng cả ngày để mua được một hộp mứt, một bánh pháo tép, một ít thịt lợn, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng… Thế nhưng, đối với nhiều người, chính sự thiếu thốn, khó khăn ấy lại khiến cho cái Tết thời bao cấp thực sự khó quên.
![]() Những kỷ niệm đáng nhớ về đêm tân hôn trong cái Tết thời bao cấp được gợi nhớ lại |
Tết nghĩa là hy vọng nhằm tái hiện một cách sống động và chân thực về cuộc sống thời bao cấp trong những ngày giáp Tết, êkíp sản xuất chương trình đã nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm hiện vật cách đây 30 năm để dựng lại không gian của một phòng khách, chiếc chạn bát với hộp cơm bằng nhôm, gian bếp nhỏ với chiếc bếp dầu hay vòi nước ri rỉ mãi mới chảy ra một giọt...
Không chỉ dừng ở tái hiện bằng hiện vật, Tết nghĩa là hy vọng còn làm sống lại trong lòng người xem cảm xúc về những ngày xếp hàng mua thực phẩm, tắm cho “thủ trưởng” lợn, gói bánh chưng, hay xem văn nghệ… Ký ức của các khách mời như vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền, nhà báo Vũ Công Lập, nhà thiết kế Đức Hùng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Quốc Trọng… sẽ đưa khán giả tới không khí hân hoan rộn rã ở khu tập thể với các gia đình chuẩn bị luộc bánh chưng và nấu cỗ Tết, cắm hoa trang trí, trẻ con thử áo mới, hàng xóm cắt tóc ngoài sân. Ở vòi máy nước, nhà thì rửa lá dong, nhà thì nhớn nhác vì mất sổ gạo… Tết nhất đơn sơ, tằn tiện, thức ăn đạm bạc là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng.
Gạch nối quá khứ và hiện tại
Có lẽ chính bởi thời kỳ khó khăn, không khí chuẩn bị Tết với những món đồ xa hoa hơn hẳn ngày thường đã để lại ấn tượng khó quên với bất kỳ ai trải qua giai đoạn chiến tranh, đổi mới của đất nước. Không chỉ trẻ con mới thỏa mãn trong những ngày Tết, mà với cả người lớn, Tết là dịp duy nhất dù phải đi vay đi mượn hoặc phải bán đi thứ gì đó, cũng phải sắm đủ đầy. Kể từ khi đón giao thừa, năm mới đến, người ta không nghĩ đến sự nghèo khó nữa, mà chỉ vui hưởng thụ Tết, hy vọng về tương lai.
Ngày nay, dù vẫn hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp, nhưng Tết đã khác rất nhiều. Và chắc hẳn, có những thứ ta chỉ có thể tìm lại trong ký ức. Vì thế, Tết nghĩa là hy vọng được coi là một “gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, thu hẹp khoảng cách về nhận thức giữa các thế hệ, giúp người trẻ phần nào thấu hiểu thời kỳ khó khăn mà cha anh mình đã trải qua, từ đó trân trọng những thành quả của 30 năm đổi mới.
Thoát khỏi thời kỳ bao cấp với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, những câu chuyện về xếp hàng mua đồ Tết đã trở thành quá vãng. Nhưng nhiều người vẫn nhớ và kể lại câu chuyện đó với niềm hạnh phúc, vì trong sự khó khăn ấy, người ta nhận ra rằng chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương, tình nghĩa láng giềng, tinh thần đoàn kết, để cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi gia đình. Chính những ân tình giản dị giữa người với người mới là đôi cánh nâng đỡ mọi hy vọng. Và cứ thế, Tết nghĩa là hy vọng!