Trong 10 năm, toàn ngành kiểm sát phát hiện, xử lý 18 vụ việc với 18 cá nhân có hành vi tham nhũng tiêu cực
(ĐBNDO) - Đó thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức ngày 27.1.
Phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong những năm qua tham nhũng vẫn có diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn còn một số hạn chế. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận quan tâm; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” chưa được đẩy lùi, gây bức xúc cho dư luận, công tác PCTN ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa có chuyển biến rõ nét.

Thời gian qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã chỉ đạo toàn ngành đã triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, đồng thời quán triệt triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành, chỉ đạo VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng nói chung, trong công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành nói riêng; rà soát, xây dựng ban hành mới và sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Chủ động đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp xây dựng các quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành được tiến hành nề nếp, kiên quyết xử lý dứt điểm, nghiêm minh đối với các cán bộ, công chức có vi phạm trong toàn ngành. Lãnh đạo VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC và Ban Nội chính Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo đưa ra xét xử trước Đại hội toàn quốc lần thứ XII, kết quả xét xử, nhiều bị cáo bị tuyên phạt với mức án nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Thông qua công tác thanh tra, tự kiểm tra và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành cho thấy, về cơ bản cán bộ, công chức, kiểm sát viên giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, có lúc, có nơi một số cán bộ, kiểm sát viên, đảng viên thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng đã vi phạm kỷ luật. Trong 10 năm, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý 18 vụ việc, với 18 công chức, viên chức, kiểm sát viên các cấp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng tiêu cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, đã khởi tố vụ án, bị can 7 vụ/7 bị can về hành vi tham nhũng để xử lý hình sự.
Quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn bất cập
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thời gian qua vẫn gặp nhiều vướng mắc, hệ thống pháp luật nói chung còn bất cập, thiếu đồng bộ; quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực như tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ bản, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn sơ hở. Chế tài xử lý còn thiếu cưỡng chế, chưa bảo đảm thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý thanh tra. Hiện tại không có quy định riêng về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với tội phạm về tham nhũng.
Ngoài ra, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tham nhũng chưa toàn diện. Các quy định về công khai, minh bạch, kê khai tài sản còn hình thức, chưa cụ thể, thiếu cơ chế cụ thể để kiểm tra thông tin kê khai. Các quy định về giám định, tư pháp và hoạt động giám định tư pháp ở nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng, đất đai, tài chính… chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước đối với công tác PCTN; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCTN. Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về PCTN và các văn bản có liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện PCTN, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn góp phần tích cực vào việc PCTN.