Đến lúc bỏ kiểm duyệt phim?
Kể từ ngày 15.3, phim ở nước ta sẽ được phân thành 4 loại để phổ biến theo lứa tuổi thay vì 2 loại như trước đây. Đây là tin vui cho nhiều đạo diễn bởi họ sẽ không phải lo lắng khi kiểm duyệt phim sẽ bị cắt gọt...
Lâu nay, có quá nhiều quy định khiến nhiều bộ phim cắt đầu, cắt đuôi, hay cấm chiếu, thậm chí phim nhập cũng chịu chung số phận. Đó là bởi vì việc phân loại phim chỉ dừng ở hai mức: phim phổ biến rộng rãi hoặc phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Điều này đã tạo ra khoảng dao động quá lớn giữa các cấp độ phân loại của phim. Có phim khán giả hoàn toàn có thể tiếp cận được ở lứa tuổi phù hợp, nhưng việc thiếu các cấp bậc khác gây thiệt thòi cho các nhà làm phim lẫn khán giả. Vì vậy, việc phân loại thành 4 bậc gồm P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18) được các nhà làm phim trong nước chờ đợi từ rất lâu.
Thực tế, câu chuyện đặt ra về sự thông thoáng trong công tác phân loại, dán nhãn phim và tạo tự do cho những người làm nghề sáng tạo là nhu cầu có thật. Bởi, rất khó để cân định những câu chữ như “không phù hợp với văn hóa phương Đông, thiếu thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực…” như các lý do của những phim bị cắt hay bị cấm chiếu vẫn gặp. Nhưng với việc phân loại rõ ràng, các nhà làm phim hy vọng rằng phim của mình có thể được phân loại phù hợp, phân loại đối tượng được xem, thay vì phải cắt đoạn này đoạn kia hoặc cấm chiếu. Đây cũng là giải pháp được nhiều khán giả ủng hộ. Đơn cử như qua khảo sát của một tờ báo, có hơn 8.000 độc giả tham gia thì 74% cho rằng, nên chiếu bản phim gốc Bụi đời Chợ Lớn nhưng hạn chế độ tuổi xem phim.
Muốn điện ảnh Việt hội nhập được với thế giới, trước hết cần sự hội nhập của những người làm quản lý và của những văn bản chính sách. Không thể cứ đưa những ngôn từ chung chung vào luật để rồi cân nhắc “cắt” hay “cấm” mỗi khi duyệt phim. Đặc biệt điện ảnh là lĩnh vực phải có sự cá biệt, có dấu ấn cá nhân của câu chuyện, của đạo diễn; chứ cứ cắt, xén mãi, phim nào ra mắt cũng tròn trịa, mất đi sự gai góc thì không thể nào có những bộ phim nổi trội được. Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, ở những nước có nền điện ảnh phát triển, phim không phải chịu bất cứ hệ thống kiểm duyệt nào, mà chỉ cần gắn mác phân loại phim theo độ tuổi. Nên chăng đã đến lúc cần tiến tới việc bãi bỏ kiểm duyệt phim để khuyến khích sáng tạo.