Giảm tỷ số tử vong mẹ giảm từ 68 xuống 58,3 trên 100.00 trẻ
(ĐBNDO) - Đây là một trong những kết quả nổi bật mà ngành y tế đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 được nêu ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Y tế năm 2015, kế hoạch 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra sáng ngày 15.1, tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế đã thông báo kết quả ngành y tế đã đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận trong giai đoạn này là tình trạng sức khỏe của người dân được cải thiện đáng kể thể hiện qua các chỉ số sức khỏe cơ bản như tuổi thọ trung bình tăng 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,3 tuổi năm 2015; tỷ số tử vong mẹ giảm từ 68 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2010 xuống khoảng 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,8% năm 2010 xuống còn 14,73% năm 2015, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8% năm 2010 xuống còn 21,12% năm 2015 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể hiện nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010 xuống khoảng 14,1% năm 2015.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng tăng cao, số lượng các loại hình nhân lực tăng đáng kể qua các năm, số bác sĩ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên gần 8,0 năm 2015, số dược sĩ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên 2,2 năm 2015; tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế tiếp tục nâng cao. Công tác cải cách hành chính tại Bộ Y tế được đẩy mạnh, và đã công bố 20 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 10 dịch vụ công mức độ 4 thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý trang bị y tế, quản lý dược, quản lý môi trường y tế… Công tác y tế dự phòng được tăng cường, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời nhiều bệnh dịch trong nước, kịp thời kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi như Ebola, H7N9, Mers- CoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Bước đầu triển khai dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm có hiệu quả, phát hiện và quản lý điều trị cho khoảng 600.000 người tăng huyết áp, 236.000 người tiền đái tháo đường và đái tháo đường… Công tác phòng chống AIDS cũng đạt được những kết quả tích cực, đã đạt được mục tiêu 3 giảm từ 2010 đến 2015 như giảm số trường hợp nhiễm mới HIV từ 17.800 xuống 10.000, giảm tử vong từ 3.300 ca xuống khoảng 2.000 ca, số bệnh nhân AIDS từ 8.900 ca xuống còn khoảng 6.500 ca. Tỷ lệ người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn được điều trị thuốc kháng HIV (AVR) tăng từ 57,7% năm 2010 lên 67,6% năm 2015. Công tác an toàn thực phẩm được củng cố và phát huy hiệu quả, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường thường xuyên liên tục, tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 26.000 lượt cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm và phát hiện khoảng 20% cơ sở vi phạm, số tiền thu được khoảng 99,6 tỷ đồng….
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác y tế, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Y tế đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu, theo đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình, phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Tập trung, ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp với tình hình mới, bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng, chủ động phòng chống các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống bệnh và khám, đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng, tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vaccine, sinh phẩm và trang bị y tế. Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng 2035 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng cơ chế phối hợp và xác định trách nhiệm cụ thể trong công tác truyền thông giữa ngành y tế với các bộ, ngành, chính quyền các cấp…