Mặt trái của vận động hành lang
Khi đồng tiền dan díu với quyền lực

Đặng Văn Chiến 15/01/2016 08:11

Vận động hành lang bao giờ cũng nhằm đạt được lợi ích của một nhóm, tổ chức, bộ phận dân cư nhất định trong xã hội, trong chính sách. Có những lợi ích hài hòa, nhưng cũng có những lợi ích mâu thuẫn với lợi ích của các nhóm khác và làm tổn hại lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, vận động hành lang là con dao hai lưỡi. Tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, điểm đặc biệt quan trọng là tính minh bạch của vận động hành lang và cơ quan công quyền.

Thứ nhất, vận động hành lang là môi trường thuận lợi cho hối lộ, tham nhũng trong bộ máy nhà nước do vận động hành lang thường gắn với những cuộc tiếp xúc cá nhân, là các hoạt động không chính thức, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau mà có thể bao gồm cả việc tặng quà có giá trị lớn, mời tiệc chiêu đãi, mời đi nghỉ mát, dự hội nghị nên nguy cơ thao túng, hối lộ đặc biệt là từ các nhóm lợi ích lớn có thế mạnh tài chính. Trên thực tế, đồng tiền khi dan díu với quyền lực sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bóp méo quyền lực. Hoạt động vận động hành lang một khi đã bị chi phối bởi tiền bạc thì sẽ dẫn đến hậu quả là làm biến chất quan chức. Khi đó, những quan chức này không còn là những người đại diện cho tiếng nói cử tri, cho sức mạnh quyền lực nhà nước mà là đại diện cho tiếng nói của đồng tiền, cho sức mạnh của các tập đoàn tư bản.


Thứ hai, vận động hành lang cũng có thể dẫn tới nguy cơ bè phái, bóp méo dân chủ và khiến các nhóm yếu thế, nhất là người nghèo mất đi cơ hội và tiếng nói của mình trong xã hội. Đây là vấn đề đã được các quốc gia đưa ra và tìm giải pháp hạn chế nhưng cho tới nay vẫn chưa có phương thuốc hữu hiệu. Trên thực tế, chỉ có những nhóm lợi ích, tập đoàn, công ty nào có tiềm lực tài chính mạnh mới có khả năng sử dụng phương thức vận động hành lang. Những nhóm nhỏ, tầng lớp nghèo trong xã hội sẽ không có đủ điều kiện để tham gia vào hoạt động chính trị này.

Ngoài ra, vận động hành lang có thể đưa đến nguy cơ bế tắc trong chính sách. Về lý thuyết, chính sách ra đời nhằm giải quyết các vấn đề đang tồn tại hoặc mới phát sinh của đời sống xã hội, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển. Không thể có sự phát triển bền vững nếu không có một chính phủ mạnh, hoạt động hiệu quả. Hiệu quả của một chính phủ đạt được khi nó có khả năng đề ra và thực hiện các chính sách đáp ứng những yêu cầu cơ bản cho sự phát triển quốc gia. Trong khi đó, hoạt động vận động hành lang chỉ có thể làm tăng vai trò và sức mạnh của các nhóm lợi ích cũng như quan chức được bầu, đồng thời phần nào làm suy yếu đi quyền lực nhà nước. Chính đòi hỏi mạnh mẽ của các nhóm lợi ích cạnh tranh dẫn đến những tranh cãi có thể kéo dài trong nhiều năm xung quanh việc xây dựng và ban hành chính sách, hậu quả là kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do nguồn lực có hạn, nhà nước không thể thỏa mãn được nhu cầu của mọi nhóm đối tượng trong xã hội nên một chính sách được đưa ra bao giờ cũng mang lại những lợi ích cho nhóm này và gây tổn hại đến lợi ích của một nhóm khác. Vì vậy, các nhóm lợi ích càng mạnh thì sự đấu tranh càng tăng và áp lực lên quyền lực nhà nước càng lớn, khả năng bế tắc trong chính sách càng cao. Sự đấu tranh quyết liệt của các nhóm có lợi ích khác biệt nhau xoay quanh từng vấn đề cụ thể đã làm cho nhiều chính sách không được thông qua, gây thiệt hại lớn đến sự phát triển của đất nước và làm suy giảm uy tín và sức mạnh của nhà nước trong việc ban hành chính sách. Sự bế tắc trong chính sách diễn ra còn bởi các nhóm lợi ích luôn có xu hướng đấu tranh đòi xóa bỏ những dự luật, những chính sách còn ở dạng khởi thảo có lợi cho xã hội nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của họ.

Do đó, dân chủ và minh bạch là điều kiện cần để chống lại sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích. Công chúng cần phải được biết ai là người đang chi trả và chi bao nhiêu cho các nhà hoạt động lobby để vận động ai, về cái gì. Các nhà lập pháp cần thông tin này để đánh giá một cách chính xác áp lực chính trị mà họ phải chịu. Dân chúng cần thông tin này để đánh giá tính liêm chính của những nhà lập pháp. Không có thông tin công khai này, “tiếng nói của người dân có thể bị nhấn chìm hoàn toàn bởi tiếng nói của những nhóm lợi ích đặc biệt tìm kiếm sự ủng hộ trong khi giả mạo là những người ủng hộ cho phúc lợi chung”.

 Trong thế kỷ XIX, hoạt động vận động hành lang ở Mỹ gắn liền với điều tiếng xấu do tình trạng các nhà vận động hành lang thường lợi dụng mối quan hệ của mình để hối lộ nghị sĩ nhằm đổi lấy sự ủng hộ của họ đối với những chính sách mà thân chủ của mình đang đeo đuổi. Vận động hành lang trong thời kỳ này được miêu tả như một con quái vật, tìm mọi cách luồn lách đến các phòng, ban, các hành lang để làm lũng đoạn Quốc hội. Trước tình trạng này, Quốc hội Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật để đưa hoạt động vận động hành lang vào khuôn khổ như Luật Đăng ký đại diện nước năm 1938, Luật Liên bang về hoạt động vận động hành lang năm 1946, Luật về Công khai hóa hoạt động vận động hành lang 1995. Theo những quy định này, mọi cá nhân, tổ chức vận động hành lang phải đăng ký hoạt động với Văn phòng Quốc hội, phải công khai hóa danh sách khách hàng, các cuộc tiếp xúc, những vấn đề đã vận động và số tiền công được chi trả...

Đặng Văn Chiến