Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam
(ĐBNDO)- Sáng 10.1, tại Hà Nội, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (15.1.1956-15.1.2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tới dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cùng các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
![]() Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam |
Không ngừng phát triển lớn mạnh
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: Ngày 15.1.1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển bền vững của hàng không dân dụng Việt Nam. Nghị định này cũng đặt cơ sở cho việc ra đời một tổ chức vận chuyển hàng không, hội nhập, giao lưu với các nước, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ mong muốn phục vụ nhân dân đi lại bằng đường hàng không. Từ đây, ngày 15.1 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Năm 2015, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không đạt 40,1 triệu, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010- 2015 là 13,7%/năm; hàng hóa đạt 741 nghìn tấn, tăng bình quân 10%/năm. Chính sách xã hội hóa vận tải hàng không đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Hiện nay 4 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet đang khai thác 70 đường bay quốc tế, 48 đường bay nội địa. Tính đến tháng 12.2015, có 52 hãng hàng không nước ngoài khai thác các đường bay đi, đến Việt Nam. Giai đoạn 2001-2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay đạt hơn 55.000 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành hàng không. |
Trải qua 60 năm, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ; chi viện cho chiến trường miền Nam, tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc; khôi phục và phát triển vượt bậc hoạt động hàng không dân dụng, tiến tới hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục bám sát thực hiện 5 mục tiêu
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những đóng góp to lớn của ngành Hàng không trong suốt 60 năm qua đồng thời nêu rõ, Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả đạt được, không được tự mãn, chủ quan mà phải ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cần tập trung thực hiện bám sát 5 mục tiêu chính. Trong đó, cần tạo sự đột phá về xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, góp phần phát triển thị trường hàng không Việt Nam đứng trong tốp 4 của ASEAN; Đột phá về vận tải hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở rộng và phát triển mạng đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào nguồn thu của Nhà nước; Bảo đảm song hành cùng cộng đồng hàng không quốc tế trong việc thực hiện Kế hoạch không vận mới của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, không được để tụt hậu về công nghệ và năng lực quản lý, điều hành bay; Tìm mọi nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp hàng không, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh của ngành cũng như nền khoa học công nghệ của đất nước; Chú trọng nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân viên hàng không chuyên môn cao như phi công, kiểm soát viên không lưu, thợ kỹ thuật.
Phó thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, không được để xảy ra các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Coi đây là lương tâm, trách nghiệm, nghĩa vụ của toàn bộ hệ thống chính trị mà trước hết là của ngành hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, hàng không dân dụng Việt Nam được xác định là lực lượng dự bị của quốc phòng, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hệ thống sân bay, quản lý điều hành bay phải được kết nối hiệu quả với hệ thống phòng thủ đất nước, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; hệ thống an ninh hàng không là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia. Ngoài ra, đây phải là một trong những ngành đi đầu trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là miền núi, hải đảo.