Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với quản lý DNNN

Tự Cường thực hiện 08/01/2016 09:33

(ĐBNDO) - Theo Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Tú Anh, để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mang lại kết quả thực chất, cần phải tách bạch được quản lý nhà nước với quản lý DNNN, với kinh doanh vốn nhà nước; đồng thời cần phải có những nhà đầu tư mới từ khu vực tư nhân hoặc nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa và có quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đã chạm đến bản chất cổ phần hóa DNNN?

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện cổ phần hóa DNNN thời gian qua?

- Thời gian qua, chúng ta đã tập trung đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN. Nhìn vào số liệu, năm 2014 có hơn 100 doanh nghiệp và năm 2015 có tổng số trên 200 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, đây là quyết tâm rất lớn và thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ. Cổ phần hóa các doanh nghiệp về sau này là những doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp trong việc định giá, chuyển đổi mô hình nên cổ phần hóa mỗi một doanh nghiệp thời kỳ này đều rất khó khăn. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2015 này không đạt mục tiêu đề ra.

Ảnh: Tự Cường
Ảnh: Tự Cường

Mục tiêu của tái cơ cấu DNNN là làm sao để doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng và thành công trong quá trình hội nhập. Để cạnh tranh được thì phải có sự thay đổi về hệ thống quản trị, về con người. Quá trình cổ phần hóa cần phải có những nhà đầu tư mới từ khu vực tư nhân hoặc nước ngoài tham gia và có quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, cổ phần hóa DNNN của chúng ta hiện nay chưa đạt được quá trình này. Đây là hạn chế của quá trình cổ phần hóa cũng như là tái cơ cấu DNNN thời gian qua.

Đặc biệt, trong thực hiện cổ phần hóa DNNN của nước ta hiện nay, nhà nước vẫn nắm quyền chi phối hoặc các DNNN khác nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Do đó, bản chất vẫn chưa thay đổi. Một số quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì các DNNN lại đầu tư lẫn nhau, tính tổng thể thì vẫn là của nhà nước. Chẳng hạn, Vietcombank mua cổ phần của Vietnam Airlines, về hình thức là có cổ đông bên ngoài tham gia, nhưng nhìn rộng ra thì đây đều là 2 doanh nghiệp nhà nước, thực tế vẫn là vốn của nhà nước. Do đó, chúng ta chưa chạm đến thực sự bản chất của cổ phần hóa DNNN.

Đã có nhiều bài học thành công của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk, FPT.... Đây là những tiền đề để chúng ta có thể tự tin để nhà nước thoái vốn hoàn toàn ra khỏi một số doanh nghiệp, khi đó, lợi ích tổng thể mang lại sẽ lớn hơn. Kinh nghiệm cổ phần hóa DNNN của Séc và Nga cho thấy, trong quá trình cổ phần hóa, hoặc Nhà nước giữ 100% vốn, hoặc không gì cả, chứ nếu cứ giữ một phần vốn thì không có tác dụng.

- Thực tế cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN còn chậm trễ so với kế hoạch, theo ông vì sao lại có tình trạng này?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá trình cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm so với kế hoạch đề ra. Về nguyên nhân khách quan, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nên tốc độ tăng trưởng giảm, nguồn vốn thu hẹp lại. Cùng lúc đó tiến hành cổ phần hóa thì nhiều doanh nghiệp sẽ không đạt mục tiêu về lợi ích kinh tế; bởi mục tiêu của chúng ta là phải thu hồi được vốn nên nhiều doanh nghiệp chần chừ.

Nguyên nhân thứ hai, các doanh nghiệp còn lại hiện nay đều là các doanh nghiệp lớn với hệ thống doanh nghiệp con phía dưới rất nhiều. Do đó, quá trình cổ phần hóa vấp phải các vấn đề về định giá tài sản, về phân chia quyền lợi, nghĩa vụ… cần một thời gian để thực hiện cổ phần hóa đầy đủ. Mặt khác, chúng ta còn thiếu hệ thống pháp luật quy định đủ để quá trình cổ phần hóa được diễn ra thuận lợi, rõ ràng, cụ thể.

Về nguyên nhân chủ quan, chúng ta vẫn đang vướng ở thể chế. Với thể chế hiện nay, các bộ ngành vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa đồng thời thực hiện chức năng chủ doanh nghiệp. Do đó, khi cổ phần hóa thì sẽ tác động đến quyền lợi của những lãnh đạo DNNN. Do đó, họ sẽ không mặn mà, nhiệt huyết, làm chậm với việc cổ phần hóa, bởi quyền lợi của họ sẽ bị thay đổi. Do đó, cổ phần hóa chỉ thành công thực sự khi tách được chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý doanh nghiệp.

Để tái cơ cấu DNNN đạt kết quả thực chất

- Ông đánh giá thế nào về việc ban hành chính sách và chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu DNNN thời gian qua?

- Để triển khai đề án tái cơ cấu DNNN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt cổ phần hóa, đặc biệt các văn bản yêu cầu minh bạch hóa hoạt động của DNNN, yêu cầu đổi mới quản trị, vai trò của kiểm soát viên, hệ thống kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, các văn bản yêu cầu tái tổ chức lại bộ máy quản trị của nhà nước… Đồng thời, đưa ra quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng các đề án tái cơ cấu và các cơ quan nhà nước phải xem xét, phê chuẩn các đề án này. Đây là những động thái ban đầu cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ.

- Bên cạnh cổ phần hóa, thì việc nâng cao năng lực quản trị, con người cũng là mục tiêu quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN. Việc triển khai mục tiêu này thời gian qua ra sao, thưa ông?

- Có thể thấy đã có những thay đổi đáng kể về quản trị DNNN trong thời gian gần đây. Về mặt thể chế chính sách, chúng ta đã có các chính sách mới trong Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… với hành lang pháp lý chặt chẽ để doanh nghiệp dựa vào đó phát triển. Nhiều biện pháp được đưa ra như áp đặt DNNN thực hiện các luật kinh doanh chung như doanh nghiệp tư nhân; xác định rõ hơn trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của DNNN và tăng cường giám sát DNNN; tăng cường năng lực và trách nhiệm của Hội đồng thành viên trong các DNNN theo hướng gia tăng quyền tự chủ đồng thời với việc gia tăng hoạt động giám sát từ phía chủ sở hữu nhà nước…

 Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới vẫn sử dụng mô hình cơ quan chủ quản đối với DNNN. Cơ quan chủ quản này là cơ quan quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện chức năng quản lý DNNN trên thị trường, thực hiện chức năng chủ sở hữu DNNN. Như vậy, có sự liên kết chặt chẽ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, về mặt lý thuyết trong kinh tế học, khi 2 sức mạnh này mà liên kết với nhau sẽ tạo ra sự lũng đoạn thị trường, độc quyền thị trường rất lớn. Đồng thời, nó lấn át khiến các doanh nghiệp khu vực dân doanh không phát triển được và chính nó cũng tạo ra sự trì trệ của chính bản thân DNNN. Bởi trước áp lực cạnh tranh, mô hình này thường hạn chế cạnh tranh thông qua áp lực chính trị. Khi nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối thì DNNN vẫn không thể có hệ thống quản trị hiệu quả như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

-  Với những thành tựu và hạn chế như ông đã nêu, thì giai đoạn 2016 - 2020 này, tái cơ cấu DNNN nên tập trung vào giải pháp đột phá nào, thưa ông?

- Theo tôi, đột phá lớn nhất là phải tách bạch được quản lý nhà nước với quản lý DNNN, với kinh doanh vốn nhà nước. Cần phải có cơ quan độc lập làm chức năng chủ sở hữu nhà nước. Bộ phận cán bộ làm chức năng quản lý doanh nghiệp phải tách bạch hoàn toàn với bộ máy quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên quyền lợi tổng thể của nền kinh tế chứ không chỉ đứng trên quyền lợi của bất kỳ ngành, doanh nghiệp nào. Đây là đột phá mang đến thay đổi bản chất, quyết định cho tái cơ cấu DNNN. Nếu không có đột phá này thì tái cơ cấu sẽ không mang lại được kết quả thực chất. Đây là một thách thức rất lớn.

- Xin cảm ơn ông!

Tự Cường <i>thực hiện</i>