Thế tục nhìn từ góc độ pháp lý

Nguyễn Lâm 18/12/2015 08:14

Cùng với việc trở thành một Nhà nước thế tục, bảo đảm tự do tôn giáo, Pháp đã ban hành một hệ thống quy định điều chỉnh theo hướng này.

Cải cách giáo dục

Cải cách nền giáo dục có thể coi là một trong những bước đi đầu tiên thể hiện xu hướng thế tục hóa tôn giáo của Pháp. Như đã trình bày ở trên, Đạo luật Giáo dục 1882 là một bước tiến lớn của chủ nghĩa thế tục tại Pháp, dựa trên nguyên tắc các trường công lập là miễn phí, thế tục và không có sự phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng nào, nguyên tắc này bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người. Với hai Thông tư ngày 1.1.1936 và Thông tư ngày 15.5.1937, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Jean Zay tiếp tục nhấn mạnh sự thế tục hóa của nhà trường, theo đó các hoạt động tuyên truyền chính trị hay tôn giáo và mọi hành động cải đạo đều bị cấm.

Suốt từ những năm 1890 của thế kỷ XIX cho đến những năm 2000 của thế kỷ XXI, chiếc khăn trùm đầu của các tín đồ Hồi giáo làm náo động nền giáo dục Pháp nói riêng và toàn thể nước Pháp nói chung. Năm 1989 khi hai nữ sinh đầu tiên bị đuổi học ở Creil (ngoại ô Paris) và từ đó có thêm hàng chục vụ đuổi học khác, một cuộc tranh luận về vấn đề mang khăn trùm đầu của các tín đồ Hồi giáo ở các trường học đã nảy sinh tại Pháp. Những người ủng hộ việc đeo mạng che mặt thông qua chủ nghĩa thế tục đã viện dẫn sự tự do nhận thức và nguyên tắc của Tuyên ngôn Nhân quyền. Trong khi đó phía Chính phủ Pháp thì lập luận rằng cấm khăn trùm đầu của các tín đồ Hồi giáo, cũng như biểu tượng thánh giá của Công giáo cấm mang các biểu tượng tôn giáo dễ thấy như đội mũ chỏm đầu của đàn ông Do Thái, đeo Thánh giá của Công giáo, khăn trùm đầu, che mặt của phụ nữ Hồi giáo trong các trường tiểu học, trung học cơ sở hệ công lập và được đưa vào Bộ luật Giáo dục. Cuộc bỏ phiếu này đạt tỷ lệ cao hơn đa số quá bán cần thiết: 335/577 trong Quốc hội Pháp.

Trong các cơ sở giáo dục công lập, nhân viên, giáo viên của các trường công lập không được thể hiện đức tin của tôn giáo họ trong khi thực hiện nhiệm vụ. Các bậc phụ huynh học sinh được tự do mặc đồ họ muốn trong khuôn viên nhà trường (ví dụ khi họ đến đón con em của họ).


Bày tỏ niềm tin tôn giáo

Đạo luật 1905 không thừa nhận cũng không cấm đoán bất kỳ tôn giáo nào. Đạo luật này khẳng định tôn giáo không chỉ là một vấn đề riêng tư mà nó còn có thể thực hiện trong không gian công cộng theo một cách tập thể.

Đạo luật ngày 15.3.2004 cấm việc mặc quần áo hoặc mang các ký hiệu biểu thị tôn giáo trong các trường học công lập, điều này để bảo đảm tính trung lập của nhà trường.

Đối với các cơ quan ngoài công lập, mặc trang phục hoặc mang các dấu hiệu tôn giáo là quyền tự do cá nhân, tuy nhiên nhìn chung thì bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan như yêu cầu công việc, rủi ro lao động…, mặc các trang phục đó có thể gây khó khăn, vướng víu khi tham gia công việc, điều này đôi khi đòi hỏi giữa người chủ lao động và người lao động cần có một hợp đồng chi tiết quy định về những vấn đề này để hạn chế sự tự do, rủi ro và những bất tiện khi mặc các trang phục đó.

Nghỉ lễ tôn giáo

Tại Pháp, theo truyền thống, các lễ hội tôn giáo hợp pháp, các ngày nghỉ lễ tôn giáo được đưa vào lịch học của các trường học. Đối với người đi làm, Bộ Luật Lao động quy định 11 ngày nghỉ lễ trong năm. Ngoài các ngày nghỉ đó, người lao động có thể xin phép nghỉ làm nhân dịp ngày lễ tôn giáo mình. Lãnh đạo cơ quan hoặc chủ thuê lao động sẽ xem xét cho nghỉ nếu việc nghỉ của người đó không cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan, công ty.

Đất đai, cơ sở thờ tự

Các Nhà nước tư bản đều quy định quyền sở hữu tư nhân về đất đai, Pháp cũng không là một ngoại lệ. Do vậy, không có sự tách biệt giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sở hữu nhà cửa, các công trình xây dựng trên nó. Đất đai, tài sản tôn giáo đều phải nộp thuế như các chủ thể khác, và chịu một mức thuế như thuế tư nhân.

Tự do ngôn luận

Tại Pháp tự do ngôn luận chỉ có giới hạn pháp lý dựa trên sự bảo vệ các quyền tự do cơ bản và bảo vệ con người. Trong khuôn khổ thế tục của pháp luật, biểu đạt tôn giáo và chống tôn giáo đều được chấp thuận theo cùng một cách, không có hành vi phạm tội truyền đạo, cũng không có hành vi phạm tội báng bổ. Tuy nhiên, những lời này sẽ bị lên án khi chúng kêu gọi thù hận tôn giáo, phỉ báng tôn giáo.

Nguyễn Lâm