Phải chuyển mô hình sản xuất sang quy mô lớn
Để nâng cao vai trò của KH - CN trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cần chuyển mạnh sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp. Đó là bày tỏ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ NGUYỄN QUÂN trong cuộc trao đổi với PV Báo ĐBND.
KH - CN mới tham gia từng khâu trong chuỗi giá trị
- KH - CN, hay nhà khoa học được xác định là một trong “4 nhà” để gia tăng giá trị sản xuất và gắn kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Trong phạm vi lĩnh vực được giao phụ trách, Bộ KH - CN đã làm gì để triển khai chủ trương này, thưa Bộ trưởng?
- Sau 30 năm đổi mới và phát triển, nước ta đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nền nông nghiệp nước nhà cũng đã đủ lương thực nuôi hơn 90 triệu dân. Song với tình hình như hiện nay, phải khẳng định rằng, ngành nông nghiệp không thể tiếp tục làm theo kiểu tự phát như trước đây được nữa. Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị được thành lập vào cuối năm nay và nước ta đã kết thúc đàm phán, chuẩn bị ký chính thức Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… thì nền nông nghiệp Việt Nam không thể không làm theo chuỗi. Hay nói cách khác, không thể không kết lại theo chuỗi thống nhất ở tầm quốc gia.
![]() Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII |
Ảnh: Quang Khánh |
Trong thời gian vừa qua, tại nghị trường cũng như các diễn đàn từ Trung ương đến địa phương, các ĐBQH, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để hình thành và phát triển được chuỗi giá trị nông nghiệp cần có vai trò của 4 nhà, gồm: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm, Bộ KH - CN đã đưa ra chủ trương tạo điều kiện và khuyến khích những người làm KH - CN tham gia vào sản xuất nông nghiệp từ rất lâu. Ví dụ, các chương trình KH - CN cấp bộ, cấp nhà nước thì tập trung vào lĩnh vực giống và đã tạo ra được rất nhiều giống với năng suất cao, chất lượng tốt. Hay đối với cây trồng và vật nuôi, Bộ cũng đã triển khai nghiên cứu và sản xuất thành công rất nhiều chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, vaccine để chữa bệnh cho vật nuôi. Bộ cũng đã chủ động đầu tư nghiên cứu khâu bảo quản chế biến nông sản, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, hay đầu tư nghiên cứu mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, đàm phán với các nước đối tác để đưa nông sản Việt Nam vào thị trường nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thực tế triển khai thì vẫn còn hạn chế vì sự tham gia của KH - CN hiện mới rời rạc ở từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc liên kết giữa các khâu để tạo thành chuỗi đem lại giá trị cho sản xuất nông nghiệp cũng như lợi ích của nông dân thì chưa được bao nhiêu.
- Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào khiến KH - CN chưa thể tạo được sự gắn kết giữa các khâu trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp này?
- Qua theo dõi và đi thực tế nhiều địa phương, tôi thấy rằng, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh ứng dụng KH - CN vào chuỗi giá trị nông nghiệp là do quy mô sản xuất của chúng ta quá nhỏ. Ví dụ, đối với giống, mặc dù đã tạo ra được nhiều loại giống tốt nhưng với mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, họ chỉ quan tâm đến giống nào rẻ nhất mà năng suất cao, chứ không quan tâm đến chất lượng như thế nào. Hay như việc đưa máy móc vào quá trình canh tác, đối với những hộ gia đình chỉ có vài hécta ruộng đất thì cũng rất khó thực hiện. Tương tự, đối với khâu dự trữ, bảo quản nông sản và đưa ra thị trường, đối với hộ gia đình, họ chỉ biết sản xuất và bán cho thương lái, bởi bản thân nông dân không thể tự đưa sản phẩm ra thị trường. Cho nên, lợi nhuận trong nông nghiệp hiện phần lớn tập trung vào thương lái, còn phần thua thiệt sẽ thuộc về nông dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động của nông dân thấp, chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến giá trị về mặt thương mại của hàng hóa nông sản còn thấp. Sở dĩ nông dân nói rằng, được mùa mất giá và được giá lại mất mùa là ở chỗ này.
Đẩy mạnh bảo hộ trí tuệ đối với nông sản
- Như vậy, rõ ràng, ngay trong câu chuyện 4 nhà này cũng đang còn khá nhiều vướng mắc cần giải quyết. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp tối ưu cho câu chuyện dường như chưa bao giờ “giảm nhiệt” trên nghị trường này?
- Theo tôi, nếu không chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp thì rất khó để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này. Vì chỉ có phát triển sản xuất lớn dưới sự điều hành của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì KH - CN mới có cơ hội đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu, từ cơ giới hóa đến làm đất, lịch trình gieo trồng, chế biến và thu hoạch. Còn nếu không, như hiện nay, dù có đưa KH - CN vào thì cũng rất tốn kém và không thật sự hiệu quả. Ở đây, vai trò của Nhà nước là quan trọng nhất, thông qua việc tạo ra các hành lang pháp lý, bảo hộ cả doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, chú trọng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao. Còn các doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ là những đơn vị đầu não, có trí tuệ để hướng dẫn, định hướng sản xuất cho nông dân. Ví dụ như mô hình sản xuất của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hiện đang rất khả thi. Khi trả lời chất vấn trước QH, tôi cũng đề nghị các ĐBQH đến thăm và xem mô hình sản xuất của Công ty này vì rất hiệu quả.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Để KH - CN phát huy vai trò trong chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, Bộ KH - CN xác định sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính. Thứ nhất, sẽ tăng cường việc các viện, trường chủ động mang kết quả nghiên cứu đến với nông dân. Thứ hai, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp để ngày càng có nhiều máy móc và công nghệ được đưa vào ứng dụng trong quá trình sản xuất của bà con nông dân. Thứ ba, đẩy mạnh bảo hộ tài sản trí tuệ cho nông nghiệp. Ví dụ những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản, quyền bảo vệ sáng chế, nhãn hiệu tập thể của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Tất nhiên đây là nhiệm vụ lâu dài, chiến lược và cần có thời gian để thực hiện. Nhưng tôi tin khi chúng ta cùng quyết tâm thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết và mọi việc sẽ đều làm được. ______________ Tôi mong muốn QH Khóa XIV sẽ tập trung rà soát, sửa đổi những điều luật chưa tương thích với cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Sắp tới, Bộ KH - CN dự kiến sẽ trình QH sửa đổi 4 dự án luật liên quan đến KH - CN, gồm: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc sửa đổi những luật này không đơn giản, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng trình và mong nhận được sự ủng hộ của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH. Bộ trưởng Bộ KH - CN NGUYỄN QUÂN |
Nhà nước phải là “nhạc trưởng” PGS.TS. NGUYỄN MINH CHÂU Đối với lĩnh vực cây ăn quả, việc tổ chức lại sản xuất cần được Nhà nước hỗ trợ tích cực hơn nữa, thể hiện rõ vai trò nhạc trưởng để nông dân liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như mô hình của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Trong mối liên kết 4 nhà, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước nên giữ vai trò nhạc trưởng tích cực hơn để hình thành các vùng chuyên canh lớn, đưa được sản phẩm vào các siêu thị trong nước như Nhật Bản đã và đang thực hiện tốt. Không có tiếng nói, vai trò của Nhà nước thì không có vùng chuyên canh và khó có HTX kiểu mới. Sản phẩm nông nghiệp cũng khó đưa được vào các siêu thị. Kinh nghiệm của Nhật Bản là Nhà nước phải làm vai trò kết nối 3 nhà còn lại. Đối với xuất khẩu, Nhà nước nên tổ chức lại, xây dựng mô hình một công ty có thương hiệu và ngay từ bây giờ có thể bắt đầu bằng những công ty xuất khẩu đối với những cây công nghiệp thế mạnh như thanh long, xoài cát chu, bưởi da xanh, chuối già, nhãn, chôm chôm, vải... Nếu làm được vậy, tôi tin trong thời gian tới, bức tranh xuất khẩu trái cây của nước ta còn phát triển mạnh mẽ hơn. Nông dân nước ta sẽ giàu có hơn, sánh ngang với nông dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… - đây là những nơi mà diện tích canh tác từng hộ của họ cũng nhỏ như nông dân đồng bằng sông Cửu Long ta. Hợp tác xã “đứng mũi chịu sào” NGUYỄN VĂN THỊNH Trong bối cảnh nền nông nghiệp nước ta đang được chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ tiến lên sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, thì việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn. Trong chuỗi giá trị đó, không thể thiếu vai trò của hợp tác xã (HTX). Hiện nay, ở các vùng sản xuất lớn, vai trò của HTX, HTX dịch vụ nông nghiệp đã khá rõ khi đứng ra đại diện cho các hội viên thực hiện các dịch vụ đầu vào như: làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp, vốn… Tuy nhiên, khả năng của các HTX còn hạn chế, chưa mang nhiều lợi ích cho hội viên. Số các HTX có hệ thống phân phối theo chuỗi liên kết còn dàn trải. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cần có chính sách ưu tiên về quy hoạch đất đai, xây dựng trang trại, ưu đãi tín dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ với các chính sách đặc thù cho chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ nông dân được tiếp cận với những ứng dụng KH - CN tiên tiến nhất thông qua tập huấn, nâng trình độ quản lý của cán bộ HTX, củng cố đội ngũ cán bộ HTX và hoàn thiện cơ chế quản lý HTX. Quan trọng nhất, hợp tác xã phải là người đứng mũi chịu sào đại diện cho thành viên HTX ký các hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. T. Thành ghi |