“Hoàng hôn” và “bình minh”!

Nhuệ Giang 24/11/2015 08:12

Chữ ký quyền uy có sức mạnh phi thường. Ký ban chức, ban quyền. Ký như cho như biếu những dự án công trình béo bở. Có phải cái sự “xế chiều” quá nhạy cảm, nên khi ĐBQH Lê Như Tiến tung ra câu chuyện những ký tá vội vàng buổi “hoàng hôn”? Thế nên dư luận mới bình chọn cho phát biểu của ĐBQH Lê Như Tiến là “phát ngôn ấn tượng”!

Nhìn nhận vấn đề này ra sao? Mới hay trên diễn đàn QH nóng bỏng chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì đây đó ở các địa phương vẫn lại phơi chềnh ềnh ra chuyện ký vội vàng kia. Ông chủ tịch một thành phố lớn không còn tham gia cấp ủy trong Đại hội Đảng bộ vừa qua nữa vẫn đặt bút ký “thăng quyền” cho cả loạt giám đốc sở. Chợt nhớ đến chuyện ký tá của ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ chưa xa, cứ ngỡ chuyện được “rút” thành “bài học sâu sắc” cho cả nước như thế, cứ nghĩ chả ai theo lối xưa đường cũ đầy tai tiếng như thế nữa. Ai hay vẫn cứ “bổn cũ diễn hoài”(!)

Thực tế đang diễn ra thế nào? Không chỉ có ký vội với tốc độ, với tần suất nhanh hơn, nhiều hơn, mà đằng sau những chữ ký vội ấy là bao chuyện “nhạy cảm” đâu dễ nói?

Đừng để lại cái khó cho nhiệm kỳ sau! Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương - một cán bộ kỳ cựu rất am tường, hiểu đến ngọn nguồn câu chuyện “tiền nhiệm, kế nhiệm” trong xếp ghế chọn người đã thốt lên như thế. Nhưng dễ hiểu tâm lý của một người cả đời lăn lộn lo toan, trước khi rời chốn “quan trường” bao giờ chả phải lo cái “sự về” sao cho êm ả. Thôi thì chuyện riêng, chuyện chung phải lo, phải tính cho trọn cả đôi bề. Nhưng nếu cứ đặt cái riêng lên trên đầu cái chung, thì cái họa sẽ là đất nước lĩnh đủ. Có hay không chuyện trước khi “hạ cánh” phải lo chỗ cho con cháu đủ đầy? Liệu đây đó có nhiều không những chuyện “ký tá” thăng chức đề bạt cho con cái, thân hữu, chiến hữu trước khi “bàn giao” như trả ơn trả nghĩa? Có hay không chuyện bung ra xây cái này, sắm cái kia rồi để lại cho người sau phải gánh, phải “hóa giải”? Cứ ồn lên chuyện trên diễn đàn QH ông Bộ trưởng VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh phát ngôn: “Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm. Tôi với tư cách là người đứng đầu ngành VH, TT và DL, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được thì tôi chịu trách nhiệm và trách nhiệm của chúng tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp”! Có thể đó là sự bộc bạch cởi lòng tận ruột gan của một bộ trưởng, một chính khách. Nhưng rõ ràng phát ngôn ấy cũng phần nào lộ ra câu chuyện của hoàng hôn nhiệm kỳ, về cái tâm lý “chợ chiều” quá sớm. Trì trệ là ở cả đấy. Làm đến đâu thì làm, công lênh thì nhận “có tôi, của tôi”, mà sai phạm khuyết điểm như của ai, chứ đâu phải là mình. Đó là những chuyện chẳng vui của một số cán bộ có quyền đến tuổi nghỉ hưu (chỉ mong số này đừng có nhiều) để dân có chút nhờ. Nhưng le lói buồn hơn cả, là những người còn tuổi, thì cũng lại cái tư duy “bình an chờ đợi”, nghĩa là chả dám động cái gì, vì sợ mắc lỗi, sợ cái “phút 89” sẽ bị loại ra.

“Hoàng hôn nhiệm kỳ” với ký tá vội rất cần phải ngăn ngừa. Cả cái tư duy “nhiệm kỳ mới là dự án mới công trình mới” càng phải chặn lại. Bởi bấy nay nhiều dự án mở bung ra gây lãng phí ngân sách làm nợ công tăng nhanh, bội chi phình to, người dân bức xúc cũng vì chọn không chuẩn những người đứng đầu cần chọn. Thế nên không chỉ “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà cả “bình minh nhiệm kỳ” trong ký tá, trong mở dự án, mua sắm công đều phải siết lại cho chặt, để đất nước vận hành ngày càng đi vào kỷ cương nền nếp!

Nhuệ Giang