Tín ngưỡng - đức tin và pháp luật

Ng. Anh - L. Thủy thực hiện 12/11/2015 08:07

Theo GS. NGÔ ĐỨC THỊNH - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nhiều hoạt động tín ngưỡng cần được quản lý, nhưng các quy định trong luật phải khả thi, nhìn xa và có chế tài rõ ràng. Với những hành vi, phong tục không thực sự nguy hiểm đến tính mạng con người, chỉ nên tuyên truyền, vận động, không nên “luật hóa”.

- Theo ông, các quy định trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành ở lĩnh vực này hay chưa?

- Tôi đã tiếp cận Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thấy còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, về tên gọi “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”, nếu để như vậy thì luật này khác gì so với luật của chính các tôn giáo? Theo tôi, cần có tên gọi phù hợp hơn để thể hiện được điều đó. Thứ hai, chúng ta không thể quản lý tôn giáo, tín ngưỡng, vì đó là quyền con người, hơn nữa đó là niềm tin, thuộc tâm linh. Chỉ khi niềm tin ấy thể hiện ra bằng hoạt động thì Nhà nước mới quản lý. Ví dụ tôi tin vào Mẫu, không ai biết mà quản lý, nhưng hoạt động của tôi có phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với tình hình đất nước không, thì Nhà nước cần điều chỉnh. Ai có hành động trái với pháp luật, Nhà nước có các chế tài xử lý... Vì thế, nên thay “Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” bằng “Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo” - chỉ thêm 2 từ, ý nghĩa hoàn toàn khác.

Tôi thấy Dự thảo Luật dù đã được sửa chữa, vẫn còn nhiều vấn đề, chỉ hơn Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo một chút. Tính cơ bản chưa rõ.

 Từng có Nghị định quy định mức phạt tiền đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng, nhưng khi cấm, nó đã biến tướng rất nhiều hình thức. GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, đốt đồ mã là quan niệm được hình thành rất lâu đời, không thể cấm. Tuy vậy, có thể hạn chế số lượng, khối lượng đồ mã, bằng cách dựa vào cộng đồng, cụ thể là tuyên truyền, vận động các chủ đền. Thực tế, đã có nhiều chủ đền cam kết hạn chế đốt vàng mã.

- Nhiều ý kiến cho rằng phạm trù tín ngưỡng rất khó luật hóa vì nó thuộc về niềm tin, tâm linh của con người. Ông nhận định ra sao về phần tín ngưỡng được quy định trong Dự thảo Luật?

- Tín ngưỡng trong tiếng Việt có hai nghĩa. Trước hết, đó là niềm tin vào siêu nhiên, những điều chưa giải thích được, đó là hạt nhân của mọi tôn giáo, tín ngưỡng. Cái đó mang bản chất con người, còn con người, còn niềm tin. Bên cạnh đó, tín ngưỡng còn có ý nghĩa là các hình thức tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, Đức Thánh Trần, thờ Mẫu… Hình thức tín ngưỡng có thể thay đổi theo thời gian.

Các nước khác có thể không cần đưa tín ngưỡng vào luật, và về khoa học không có vấn đề gì. Nhưng tín ngưỡng lại là đặc thù của xã hội Việt Nam, và trong tình hình hiện nay, có Luật này sẽ rất tốt. Đây là vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, phần tín ngưỡng còn ít, các quy định đơn giản, chung chung.

Lễ hội chùa Trăm Gian, Hà Nội Nguồn: dulichcauvong.com
Lễ hội chùa Trăm Gian, Hà Nội  Nguồn: dulichcauvong.com

- Hoạt động tín ngưỡng, đặc biệt là tổ chức lễ hội tín ngưỡng thời gian gần đây nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận. Theo ông, trong Dự thảo Luật có cần các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này không?

- Lễ hội là hành vi thể hiện tín ngưỡng và Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý, vì nó diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước quản lý để hoạt động này hướng đến những điều tốt đẹp, ngăn chặn hành vi xâm hại đến tính mạng, danh dự, sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, giữa Nhà nước quản lý và vai trò của người dân như thế nào thì phải làm rõ. Nếu Nhà nước quản lý đến mức mà vai trò của cộng đồng không còn nữa thì hỏng. Từng có thời kỳ Nhà nước cái gì cũng lo hết, nên đã có nhiều khẩu hiệu như: Hãy trả lễ hội về cho cộng đồng, Cộng đồng là chủ nhân của lễ hội… Tuy nhiên, trả lễ hội cho cộng đồng không có nghĩa là Nhà nước không quan tâm đến lễ hội. Nhà nước vẫn phải quản lý hành vi lễ hội, và giúp cộng đồng thực hiện vai trò chủ thể.

- Nhưng không phải tất cả các hoạt động tín ngưỡng đều có thể điều chỉnh được, thưa ông?

- Luật cần quy định rõ các hoạt động tín ngưỡng trong phạm vi điều chỉnh. Trong Dự thảo Luật quy định: “Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng gửi bản đăng ký lần đầu về hoạt động hằng năm của cơ sở tín ngưỡng đến Ủy ban Nhân dân cấp xã. Bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng diễn ra trong năm, nội dung, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động”. Tuy nhiên, không thể quy định “hoạt động” chung chung như vậy. Bởi tại cơ sở tín ngưỡng hằng năm có biết bao hoạt động lớn, nhỏ, Nhà nước không quản lý hết được. Thay bằng quy định chung chung như vậy, Dự thảo Luật cần ghi “hoạt động lớn”, hoặc làm rõ những hoạt động cần thông báo cho chính quyền địa phương…

Xin cảm ơn Giáo sư!

Ng. Anh - L. Thủy <i>thực hiện</i>