Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) và DNNVV cần tìm tiếng nói chung trong tài trợ vốn và khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Hỗ trợ DNNVV tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tổ chức sáng 5.11.
Khó tiếp cận vốn tín dụng do thiếu độ tin cậy
Thời gian qua, nhiều chính sách tín dụng đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và đã được DNNVV nói riêng triển khai như: các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa các TCTD với khách hàng doanh nghiệp, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa phương. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tích cực tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế và tổ chức phi Chính phủ để bổ sung nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp. Việc triển khai các giải pháp này đã góp phần thúc đẩy dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng qua các năm và duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Nguyễn Tiến Đông, các DNNVV vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các TCTD. Thứ nhất, khó khăn của nền kinh tế, của thị trường tài chính - tiền tệ và cơ chế chính sách - là nhóm nguyên nhân khách quan nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV. Thứ hai, những khó khăn từ bản thân các DNNVV. Yếu tố vướng mắc lớn nhất mà các DNNVV thường mắc phải đó là tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa thực sự được quan tâm, số liệu báo cáo chưa chính xác và thiếu độ tin cậy. Do vậy, các TCTD thiếu thông tin khi đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của DNNVV, và cùng với nhiều nguyên nhân nội tại khác như năng lực quản trị còn yếu, năng lực sản xuất còn hạn chế do quy mô nhỏ… dẫn đến giảm khả năng tiếp cận vốn vay của các DNNVV. Thứ ba, khó khăn từ phía các TCTD. Trong điều kiện thị trường tài chính còn kém phát triển, nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn chủ yếu đều trông cậy vào hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn ngân hàng huy động từ trong dân cư lại chủ yếu là ngắn hạn. Hơn nữa, các TCTD cũng vấp phải nhiều thách thức khác về thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ cho vay…
Cùng quan điểm trên, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Thương mại PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung cho rằng, hoạt động tín dụng của các NHTM cho các DNNVV còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng về khách hàng cũng như khả năng đáp ứng của ngân hàng; mới chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu vay ngắn hạn (bổ sung vốn lưu động và thanh toán ngắn hạn) và mới đáp ứng ở mức khiêm tốn đối với nhu cầu vay dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này do còn quan niệm cho rằng DNNVV là khách hàng mạo hiểm, rủi ro cao; còn quá coi trọng tài sản bảo đảm nên nhiều khi bỏ qua khách hàng tốt; nguồn vốn trung hạn của ngân hàng bị hạn chế để có thể cho vay trung, dài hạn. Về phía các DNNVV, nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu nên ngân hàng từ chối cho vay nợ mới; không có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án còn kém; chưa đáp ứng yêu cầu về tài sản bảo đảm; nhiều rào cản về thủ tục và điều kiện vay vốn…
DNNVV và TCTD phải là bạn hàng lâu dài
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV, tại Diễn đàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh DNNVV của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng Doãn Anh Tuấn kiến nghị, các DNNVV cần tăng tính minh bạch của hệ thống dữ liệu thông tin của doanh nghiệp mình; lựa chọn đúng ngân hàng và phải coi ngân hàng là bạn hàng lâu dài, nhà cung cấp, đối tác quan trọng, không nên thay đổi nơi vay khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cần xác định rõ lượng vốn và chi phí vốn của dự án định vay vốn; duy trì trao đổi giữa các bên liên quan; trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng, là nhà cung cấp, đối tác cung ứng được lựa chọn bởi các doanh nghiệp và tập đoàn lớn có mức độ tín nhiệm cao; từ đó tăng mức tín nhiệm của doanh nghiệp mình trong mắt các ngân hàng. Về phía các TCTD, ông Doãn Anh Tuấn cho rằng, cần thay đổi danh mục tài sản bảo đảm thông qua các hình thức cho thuê tài chính, tài trợ khoản vay thu, cho vay không có tài sản bảo đảm; cải thiện quản trị rủi ro; có những giải pháp sáng tạo, đầu tư tư nhân (PE), tài trợ giao dịch B2B, chứng khoán hóa các khoản nợ.
Tán thành với đề xuất trên, PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung đề nghị, các DNNVV cần hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ nhân sự cấp cao, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo uy tín đối với các TCTD; thực hiện nghiêm túc các chế độ kế toán và quản lý tài chính theo quy định, sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập nếu cần phải chứng minh sự minh bạch tài chính. Chú trọng công tác xây dựng chiến lược kinh doanh, phân tích, lập kế hoạch, lựa chọn phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào mảng sản xuất kinh doanh có thế mạnh, không đầu tư dàn trải, mạo hiểm. Chủ động tích cực tiếp cận với ngân hàng, tìm hiểu chính sách cho vay, nghiên cứu kỹ sản phẩm, chủ động đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng. Về phía các TCTD, cần xây dựng chính sách tín dụng riêng, hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng DNNVV, chính sách lãi suất hợp lý phù hợp với thị trường và phù hợp với từng khách hàng. Xây dựng mô hình chuyên môn hóa tín dụng theo quy mô, khu vực, ngành nghề hoạt động kinh doanh, đổi mới cải tiến quy trình, thủ tục theo hướng gọn nhẹ, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển dịch vụ trọn gói và chuẩn hóa cho DNNVV. Chủ động tìm kiếm khách hàng, chú trọng việc hợp tác cùng doanh nghiệp để phát triển ý tưởng kinh doanh, tư vấn và tham gia cùng doanh nghiệp từ khâu lập dự án vay vốn, giám sát thực hiện, giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Về phía Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ vốn cho các DNNVV, nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ cho vay DNNVV; tăng cường khả năng chia sẻ và tiếp cận thông tin tín dụng của các TCTD; xây dựng quỹ hỗ trợ làm cầu nối giữa doanh nghiệp và TCTD, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường đầu ra. Có chính sách hỗ trợ cho vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để giúp DNNVV đầu tư dài hạn tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nguyên nhân dẫn đến DNNVV ngừng hoạt động, có 21,4% doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân là do không vay được vốn. Về nguyên nhân DNNVV khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, 39,7% doanh nghiệp cho rằng do lãi suất còn cao; 19,8% doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và thủ tục phức tạp; 6,3% doanh nghiệp do kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp không khả thi. Một nghiên cứu khác về vấn đề này của CIEM cho thấy, có 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán với ngân hàng, 30% doanh nghiệp thiếu bảo lãnh, 16% doanh nghiệp cho rằng quy định của Chính phủ còn phức tạp; 12% gặp khó khăn không mô tả được khả năng của doanh nghiệp. ____________ Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV, ngoài những nỗ lực thay đổi của cả các NHTM, các TCTD cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng nhất là các TCTD và các DNNVV cần ngồi lại với nhau và đưa ra những động thái thay đổi để tìm tiếng nói chung trong tài trợ vốn và khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh của cả hai bên; tránh tình trạng DNNVV và TCTD cứ như hai người chạy song song ở hai bờ sông và mãi không gặp nhau. |